.

UBND tỉnh làm việc với Đoàn giám sát của Trung ương về tình hình nợ đọng xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư, 27/07/2016, 15:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 27-7, đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM) tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình MTQGXDNTM về tình hình nợ đọng trong XDNTM do đồng chí Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Uỷ viên Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương làm trưởng đoàn.

Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình MTQG XDNTM tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình MTQGXDNTM tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Giai đoạn 2011-2015, tỉnh Quảng Bình có 136 xã thực hiện chương trình MTQGXDNTM. Đến nay, cả tỉnh có 30 xã đạt chuẩn (cụ thể năm 2013 có 1 xã; năm 2014 là 11 xã và năm 2015 là 18 xã), vượt mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra và cao hơn 5,6% so với bình quân chung cả nước. Tính đến tháng 6-2016, tỉnh ta không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Tuy nhiên, số tiêu chí bình quân tỉnh ta đạt được hiện nay là 12,2 tiêu chí/xã, thấp hơn 0,7 tiêu chí/xã.

Tổng nguồn vốn huy động XDNTM giai đoạn 2011-2015 là 2.769,6 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 1.594,3 tỷ đồng, vốn tín dụng ưu đãi 422,8 tỷ đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp 110,3 tỷ đồng, vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư và huy động khác trên 640 tỷ đồng...

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã tăng cường công tác quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB); thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng XDCB nguồn vốn đầu tư công; tập trung trả nợ công trình hoàn thành, chuyển tiếp, vốn đối ứng ODA, đối ứng nguồn ngân sách Trung ương, từng bước khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB...

Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm không đủ cân đối để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nên tình trạng nợ đọng XDCB vẫn chưa được giải quyết triệt để. Qua tổng hợp sơ bộ từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tính đến ngày 31-1-2016, nợ đọng XDCB chương trình MTQGXDNTM là khoảng 483 tỷ đồng.

Đến tháng 7-2016, số liệu rà soát về nợ đọng XDCB thuộc chương trình MTQGXDNTM giai đoạn 2011-2015 đã giảm còn 256,730 tỷ đồng. Các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn có số nợ đọng XDCB thuộc chương trình MTQGXDNTM nhiều nhất.

Theo Ban Chỉ đạo chương trình MTQGXDNTM tỉnh, số nợ đọng XDCB ở 30 xã đạt chuẩn NTM là 125,8 tỷ đồng, chiếm 49% số nợ đọng XDCB thuộc chương trình MTQGXDNTM. Đây cũng chính là nhóm sẽ khó tìm nguồn để xử lý nợ đọng vì trong giai đoạn 2016-2020 ngân sách Trung ương sẽ không hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn từ nguồn vốn chương trình MTQGXDNTM (ngoại trừ 2 xã Quy Hoá và Quảng Phú tiếp tục được hỗ trợ từ chương trình MTQG giảm nghèo bền vững).

Nguyên nhân dẫn đến nợ đọng XDCB phát sinh mới sau ngày 31-12-2014 là do các chủ đầu tư không chấp hành đúng quy định quản lý sử dụng nguồn vốn XDCB theo các văn bản hướng dẫn về quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ của Bộ Kế hoạch-Đầu tư và UBND tỉnh...; tình hình giá cả thị trường, nhân công, vật liệu ngày càng tăng dẫn đến thay đổi tổng mức đầu tư dự án làm tăng nợ XDCB; công tác quyết toán dự án hoàn thành của một số chủ đầu tư chưa kịp thời, làm cơ sở cho việc cấp vốn, rút vốn đầu tư...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Chí nhấn mạnh, trong điều kiện kinh tế Quảng Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách hàng năm chưa cao, chịu ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường biển..., nhưng toàn tỉnh vẫn gặt hái được nhiều kết quả khả quan trong XDNTM.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được thì tỉnh vẫn đang vướng mắc về tình trạng nợ đọng XDCB thuộc chương trình MTQGXDNTM. Do đó, Quảng Bình cần tiến hành rà soát chính xác tổng số nợ đọng và tìm ra nguyên nhân để từ đó tìm cách tháo gỡ. Phải xác định XDNTM là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, nhất là của người dân để họ thấy được XDNTM là quyền lợi thiết thực của mình, chính quyền chỉ hỗ trợ, dẫn dắt, còn người dân mới là chủ thể. Tập trung thực hiện tốt các giải pháp nâng cao thu nhập, sức sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao trong nông thôn; chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường hỗ trợ các xã vùng biển, vùng bãi ngang có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn...

Văn Minh