.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án SRDP nhằm mang lại cơ hội phát triển đối với người nghèo

Thứ Sáu, 02/10/2015, 09:32 [GMT+7]
(QBĐT) - Chiều 1-10, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với Đoàn giám sát đánh giá năm 2015 của Văn phòng IFAD Việt Nam đối với Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh (SRDP) Quảng Bình và Hà Tĩnh. Tham dự có đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo; ông Henning Pedersen, Giám đốc Văn phòng Quốc gia Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế IFAD Việt Nam; đại diện Ban Chỉ đạo dự án SRDP tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình cùng các thành viên Đoàn giám sát tại 2 tỉnh.
Toàn cảnh buổi làm việc với Đoàn giám sát đánh giá năm 2015 của Văn phòng IFAD Việt Nam đối với Dự án SRDP Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Dự án SRDP tại tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh chính thức có hiệu lực từ ngày 27-11-2013 và dự kiến kết thúc vào ngày 31-12-2018. Dự án hướng tới mục tiêu tổng thể là cải thiện thu nhập bền vững và giảm tổn thương cho các hộ nghèo ở nông thôn tại các xã nghèo trong vùng mục tiêu ở 2 tỉnh với tổng ngân sách là 46,2 tiệu USD. Dự án thực hiện trên 40 xã tại 6 huyện của Quảng Bình và 50 xã thuộc 10 huyện ở Hà Tĩnh.

Đến thời điểm hiện nay, tiến độ thực hiện dự án SRDP được Đoàn giám sát đánh giá là đạt yêu cầu trên cả 3 hợp phần chính, gồm: lập kế hoạch phát triển định hướng thị trường; dịch vụ tài chính nông thôn; đầu tư phát triển chuỗi giá trị và thị trường.

Theo đó, phần lớn các hoạt động dự án đã được những kết quả dự kiến và hướng đến đúng các đối tượng mục tiêu theo thiết kế dự án bao gồm các hộ nghèo, phụ nữ và hộ dân tộc thiểu số. Cụ thể, tại 2 tỉnh: hệ thống quản lý dự án đã được thành lập đầy đủ và hoạt động khá hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ của dự án cho người dân, khối tư nhân và các cơ quan chính quyền các cấp; hoạt động thực thi dự án được phối hợp tốt giữa Ban Chỉ đạo dự án do UBND tỉnh đứng đầu và UBND huyện, xã tại cấp cơ sở; các phương pháp tiếp cận cùng các hoạt động của dự án đang được lồng ghép vào chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp…

Tính đến ngày 31-8-2015, tỉnh Quảng Bình đã giải ngân vốn vay IFAD, vốn vay ủy thác và các nguồn vốn khác là 2,546/22,761 triệu USD so với tổng chi phí dự án đã được phê duyệt (đạt 11%); Hà Tĩnh đã giải ngân của vốn vay IFAD, vốn vay ủy thác và các nguồn vốn khác là 4,396/22,995 triệu USD tổng số ngân sách dự án (đạt 19%).

Đoàn giám sát cũng đã nhận thấy những khó khăn, thách thức đối với hoạt động quản lý dự án ở cả 2 tỉnh, đó là: sự thay đổi cán bộ quản lý sau đại hội Đảng diễn ra trong năm 2015; thiếu hỗ trợ kỹ thuật để phân tích và tài liệu hóa những hoạt động đổi mới trong dự án nhằm hỗ trợ Ban Chỉ đạo trong việc đưa ra quyết định chỉnh sửa hoặc nhân rộng cũng như góp phần cho những thay đổi về chính sách; mức lương không đủ cho một số cán bộ và khối lượng công việc quá tải đối với bộ phận kỹ thuật; việc thực hiện và giải ngân dự án đối với từng tiểu hợp phần cần được đẩy nhanh hơn…

Tại buổi làm việc, các đại biểu tại 2 tỉnh đã tham gia ý kiến nhằm trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện dự án như: hoạt động về quản lý tài chính; đối tượng tham gia và hưởng lợi dự án; cách thức tổ chức đào tạo tập huấn cho các bộ trong hoạt động của dự án; cần bổ sung Ban Dân tộc vào Ban Chỉ đạo dự án…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện dự án SRDP tại tỉnh Quảng Bình, đồng thời chỉ đạo các địa phương và các tổ chức tham gia vào dự án trong thời gian tới cần đẩy nhanh quy trình thực hiện và giải ngân nhằm mang lại cơ hội phát triển phù hợp đối với người nghèo.

N.L