.

Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã được UNESCO lần thứ hai ghi danh vào Danh sách Di sản thế giới

Thứ Sáu, 03/07/2015, 19:31 [GMT+7]
(QBĐT) - Ngày 3-7, tại kỳ họp lần thứ 39 tại Bonn, CHLB Đức, với sự nhất trí hoàn toàn của các quốc gia thành viên  Ủy ban di sản thế giới (WHC), Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) lần thứ hai ghi danh vào Danh sách Di sản thế giới theo 2 tiêu chí mới :1/ là ví dụ nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn (tiêu chí ix) và 2/ sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn  đa dạng sinh học (tiêu chí x).
 
Như vậy, sau khi được công nhận là Di sản thế giới vào  tháng 7-2003 theo tiêu chí viii : giá trị ngoại hạng về địa chất và địa mạo thì Phong Nha - Kẻ Bàng lại một lần nữa được vinh danh. Ủy ban Di sản Thế giới cũng chấp thuận mở rộng Vườn quốc gia từ diện tích 85,754 ha lên diện tích 123,326 ha. Đây là một trong 2 hồ sơ di sản thiên nhiên được duyệt trong tổng số 5 hồ sơ đệ trình lần này.
 
Nếu như trước đây, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được biết đến là khu vực có kiến tạo karst cổ nhất và lớn nhất Châu Á mang trong mình nhiều bằng chứng về các giai đoạn lịch sử hình thành về địa chất của vỏ Trái đất với hệ thống hang động, sông ngầm phong phú, đa dạng trong đó có Sơn Đoòng - hang động có cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ và lớn nhất thế giới thì giờ đây Phong Nha - Kẻ Bàng lại được biết đến là khu vực chứa đựng những giá trị nổi bật toàn cầu về hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
 
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có rừng nhiệt đới ẩm, còn tương đối nguyên vẹn trên núi đá vôi với độ che phủ chiếm 94%, trong đó 84% là rừng nguyên sinh. Vườn có trên 2,934 loài thực vật bậc cao có mạch và hơn 800 loài động vật có xương sống, trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới IUCN và chỉ tồn tại một số nơi ở trên thế giới. Mức độ đặc hữu ở khu vực này được xác định là cao với trên 400 loài thực vật của Việt Nam và 38 loài động vật của dãy Trường Sơn. Có nhiều loài mới được ghi nhận như bò cạp hang động, cá, thằn lằn, rắn, rùa. Đặc biệt quan trọng, ở đây có 4 phân loài linh trưởng đặc hữu đang bị đe dọa gồm: Voọc Hà Tĩnh, phân loài Voọc Hà Tĩnh, Chà vá Chân nâu, Vượn đen má trắng.
 
Báo cáo đánh giá thẩm định của IUCN nhấn mạnh số lượng loài động, thực vật của Phong Nha - Kẻ Bàng có sự đa dạng cao nhất ở Việt Nam và rất cao so với các Di sản thế giới các nước trong và ngoài khu vực.
 
Với những giá trị ngoại hạng trên, Phong Nha - Kẻ Bàng là Vườn quốc gia thứ 3 châu Á và đầu tiên trong khu vực đạt 3 trên 4 tiêu chí dành cho một di sản thiên nhiên.
 
Sự công nhận của Ủy ban di sản thế giới không những khẳng định mức độ đa dạng, đặc hữu và toàn vẹn của thế giới tự nhiên tồn tại nơi đây mà còn ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, tỉnh Quảng Bình và Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đối với nỗ lực  quản lý, bảo tồn,  nghiên cứu, bảo vệ, thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức cộng đồng. Lần này Ủy ban Di sản Thế giới đánh giá cao sự nghiêm túc và trách nhiệm của Việt Nam trong quá trình chuẩn bị, trình, thẩm định và bảo vệ hồ sơ.
 
Sự kiện Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận theo tiêu chí mới về Di sản thiên nhiên thế giới là một vinh dự cho đất nước Việt Nam. Chúng ta cần nhận thức đúng , hành động kịp thời nhằm bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản, góp phần  đảm bảo sự phát triển bền vững và thể hiện trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai trong nước và cộng đồng quốc tế.
 
Vì vậy, ngoài việc thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế về Di sản văn hóa và thiên nhiên 1972, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng các chính sách, chiến lược, quy hoạch trên cơ sở bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, đặc biệt  ngày 8-2-2015 Chính phủ Việt Nam có Quyết định số 209/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thế  Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đến năm 2030.  Chúng ta tự hào và quyết tâm bảo vệ di sản này cho hôm nay và các thế hệ mai sau.
 
T.M.Văn