.

Đoàn khảo sát Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc tại tỉnh ta về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW

Thứ Tư, 27/05/2015, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 25-5, đoàn khảo sát Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Các đồng chí: Cao Văn Định, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan làm việc với đoàn.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã báo cáo kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cấp ủy đảng đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ đề ra trong nghị quyết; xem nhiệm vụ bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách, phức tạp cần sự quản lý thống nhất của Nhà nước và sự tham gia các đoàn thể nhân dân. Công tác quản lý môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên đất, nước, khoáng sản từng bước đi vào nền nếp.

Trong 10 năm qua toàn tỉnh có 318 dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, 2.161 bản cam kết bảo vệ môi trường, 127 đề án phục hồi môi trường; có kế hoạch cụ thể giải quyết ô nhiễm đối với các cơ sở trong danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỷ lệ thu gom rác thải khu đô thị đạt khoảng 80%, khu vực nông thôn khoảng 40%, chất thải y tế xử lý đạt 100%.

Việc giữ gìn, bảo vệ tôn tạo cảnh quan môi trường đạt nhiều kết quả cao, làm thay đổi diện mạo bộ mặt đô thị với các tuyến đường xanh, sạch, đẹp. Tỷ lệ dân số được cung cấp nước hợp vệ sinh ở nông thôn khoảng 80%, đô thị khoảng 92%; khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng bừa bãi gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Các vấn đề môi trường ở đô thị và nông thôn cơ bản được giải quyết; việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật ở nông thôn được kiểm soát; khắc phục cơ bản nạn ô nhiễm tại các khu công nghiệp, làng nghề nông thôn, nhà máy sản xuất...

Tuy nhiên, kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường ở Quảng Bình vẫn còn thấp; ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật trong bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong cộng đồng chưa cao và điểm đặc biệt là điều kiện địa lý, thiên tai phức tạp, kinh tế-xã hội có điểm xuất phát thấp, quy mô kinh tế nhỏ, công nghiệp hóa chưa cao, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa đồng bộ, nhiều công trình trọng điểm được triển khai xây dựng... đã tác động không nhỏ đến việc bảo vệ môi trường.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết trong thời gian qua. Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế và đề ra phương hướng phát triển bền vững của địa phương.

Trên cơ sở đó, cần tăng cường quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và ứng phó biến đổi khí hậu tăng cường; đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời quan tâm đến việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ công tác chuyển giao và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống...

Trần Kiên