.

Hội thảo về bảo tồn gà lôi lam mào trắng

Thứ Năm, 16/04/2015, 15:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 16-4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Việt tổ chức hội thảo thường niên lần thứ 1 năm 2015 về bảo tồn gà lôi lam mào trắng tại Việt Nam. Tham dự có đại diện lãnh đạo Trung tâm BTTN Việt, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Vườn thú Hà Nội, Viện Sinh thái, Tài nguyên sinh vật...

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Gà lôi lam mào trắng là một loài chim trĩ đặc hữu của miền Trung Việt Nam, đang trong tình trạng rất nguy cấp. Vùng phân bố lịch sử của loài này trải dài bốn tỉnh, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Loài này được ghi nhận trong tự nhiên lần gần đây nhất là năm 2000 và hiện đang được cho rằng có thể đã tuyệt chủng trong tự nhiên.

Năm 1964, một loài trĩ với hình thái tương tự gà lôi lam mào trắng (nhưng con trống có một số lông đuôi màu trắng) được phát hiện ở phía Bắc vùng phân bố của loài này và được mô tả loài mới với tên gà lôi Hà Tĩnh. Tuy nhiên, năm 2012, các nhà khoa học đã chứng minh gà lôi Hà Tĩnh chính là một hình thái đồng huyết (giao phối cận huyết) của loài gà lôi lam mào trắng.

Sự xuất hiện của các cá thể bị đồng huyết từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, và không có các ghi nhận gà lôi lam mào trắng trong tự nhiên trong 15 năm qua cho thấy quần thể gà lôi lam mào trắng ngoài tự nhiên nếu còn thì cũng cực kỳ nhỏ lẻ, phân tán và đang suy giảm.

Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do tình hình săn bẫy tràn lan (tất cả các loài) kết hợp với tình trạng sinh cảnh sống phù hợp của gà lôi lam mào trắng bị mất hoặc suy thoái (do tác động của con người, biến đổi khí hậu, và có thể do yêu cầu khắt khe về sinh cảnh của loài này).

Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước đến nay, một số khu bảo vệ đã được thành lập trong vùng phân bố của gà lôi lam mào trắng với mục tiêu bảo vệ loài này và các loài khác sống trong cùng sinh cảnh đất thấp, như Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Phong Điền, Dakrong, Bắc Hướng Hóa. Các khu này đã có những thành công nhất định trong việc giảm tốc độ mất rừng, nhưng các mối nguy cơ đối với đa dạng sinh học vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là suy thoái rừng vẫn tiếp diễn và việc săn bẫy vẫn tràn lan, gây nên hiện tượng “rừng rỗng” ở một số địa phương.

Trước thực trạng bảo tồn nghiêm trọng của loài gà lôi lam mào trắng, kể từ năm 2011 đến nay, nhiều đợt khảo sát tìm kiếm loài này ở tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, nhưng chưa có thêm ghi nhận nào. Từ giữa năm 2013, nhiều tổ chức và cá nhân ở trong nước và ngoài nước đã quan tâm nhóm họp lại để xây dựng một chiến lược bảo tồn gà lôi lam mào trắng, thành lập nhóm bảo tồn gà lôi lam mào trắng tại Việt Nam (VN-EPWG) và xây dựng kế hoạch hành động 2015-2020 để cụ thể hóa việc thực hiện chiến lược trên.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và thống nhất kế hoạch hành động bảo tồn gà lôi lam mào trắng, bao gồm 4 chương trình chủ yếu: bảo vệ và quản lý sinh cảnh; nhân nuôi bảo tồn; nghiên cứu; điều phối và huy động nguồn lực. Các chương trình này sẽ được thực hiện đồng bộ để đạt được mục tiêu chung là có được quần thể gà lôi lam mào trắng tồn tại bền vững trong tự nhiên vào năm 2030.

Hương Trà