.

Hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2014

Thứ Hai, 25/08/2014, 08:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 22-8, tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, Bộ Thông tin-Truyền  thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2014.

Tham gia dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Nghệ An, các cơ quan báo chí, phát thanh-truyền hình trung ương và các tỉnh thành trong toàn quốc.

Theo đánh giá tại hội nghị, là một bộ phận quan trọng của báo chí cách mạng, báo chí văn nghệ (ở cả 4 loại hình báo chí) ngày càng đổi mới và phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là xây dựng đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân...

Với lực lượng gồm 838 cơ quan báo in với hơn 1.000 ấn phẩm, 67 đài phát thanh-truyền hình, trên 90 kênh phát thanh, 104 kênh truyền hình, cùng đội ngũ nhà báo hùng hậu, báo chí đã tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước; thể hiện rõ chức năng vai trò giám sát, phản biện xã hội; cổ vũ nêu gương nhân tố mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh chống lại luận điệu sai trái thù địch... Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí còn có những hạn chế khuyết điểm như thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu nhạy cảm chính trị...                             

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu nhiều giải pháp có giá trị nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng hoạt động báo chí văn nghệ. Hội nghị đã đồng thuận cao những định hướng hoạt động của báo chí văn nghệ trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí cần tiếp tục cải tiến, nâng cao tính thuyết phục, tính hấp dẫn, tính chiến đấu trong việc tuyên truyền văn học nghệ thuật; quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 9 (khóa  XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; thông qua tuyên truyền góp phần xây dựng củng cố môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa con người Việt Nam; ngăn chặn đẩy lùi, vô hiệu hóa sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm văn hóa đồi trụy, phản động; tìm tòi, đổi mới hình thức, tăng cường giới thiệu các giá trị VHNT Việt Nam với bạn bè quốc tế; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên vững về chính trị tư tưởng, có năng lực nghiệp vụ cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoạt động báo chí văn nghệ trong tình hình mới.

Phan Hòa