.
UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 6-2014:

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Thứ Ba, 17/06/2014, 08:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 16-6, đồng chí Nguyễn Xuân Quang, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh  thường kỳ tháng 6-2014. Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực UBMTTQVN tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành...

Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kết luận hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kết luận hội nghị.

Qua báo cáo của UBND tỉnh, tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm nổi lên một số vấn đề như sau:Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,8%, cao hơn cùng kỳ (cùng kỳ 6,3%); giá trị sản xuất nông, lâm ngư nghiệp tăng 4,6% (cùng kỳ tăng 4,3%).

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện, sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 196.387 tấn, tăng 5% so vụ đông xuân năm trước, đạt 105,9% kế hoạch. Năng suất cây lúa cao nhất từ trước đến nay, bình quân chung toàn tỉnh đạt 59,8 tạ/ha, tăng 2,36 tạ so cùng kỳ. Sau thu hoạch vụ đông xuân, các địa phương đã tập trung triển khai sản xuất ngay vụ hè thu bảo đảm lịch thời vụ.

Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng  tăng 10,2% so cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (KH tăng 10%); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,3%  (thực hiện cùng kỳ tăng 6,1%). Đây là sự cố gắng lớn của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay. Một số sản phẩm có mức tăng khá như: xi măng, điện thương phẩm, nước máy, áo sơ mi, dăm gỗ.

Hoạt động du lịch có bước phát triển mạnh, 6 tháng đầu năm 2014, đã có 1.809 nghìn lượt khách du lịch đến Quảng Bình, tăng 144,5% so cùng kỳ, trong đó: khách du lịch lữ hành đạt 3.400 ngàn lượt khách, tăng 22,7%; khách quốc tế đạt 27,5 ngàn lượt, tăng 40,4% ; giá trị sản xuất dịch vụ tăng 7,4%; thu ngân sách trên địa bàn 1.052 tỷ đồng, bằng 48% dự toán địa phương...

Lĩnh vực văn hoá xã hội có những chuyển biến tích cực, quốc phòng-an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Những tháng đầu năm nay tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiến quan trọng, đặc biệt là kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình lần thứ nhất rất thành công và hiệu quả, lễ thành lập thị xã Ba Đồn...

Tuy nhiên, do khó khăn chung của nền kinh tế trong nước đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, làm cho một số chỉ tiêu tuy có tăng nhưng ở mức thấp so với kế hoạch  đề ra như thu ngân sách còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp thấp, nhiều dự án, xí nghiệp hoạt động kém hiệu quả...

UBND tỉnh đã thống nhất thông qua 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm 2014. Đó là, tập trung thực hiện các giải pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo yêu cầu của Chính phủ, đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị trên một đơn vị diện tích; ổn định diện tích sản xuất lúa, giảm diện tích lúa tái sinh, không để người dân bỏ ruộng ở chân lúa 2 vụ. Chú trọng điều tiết các nguồn nước hợp lý để phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa hè. Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng, thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, tiêu thụ hàng hoá, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó quan tâm tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới... Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Đẩy mạnh cải cách hành chính, công tác thanh tra, tư pháp, phòng chống tham nhũng lãng phí, các hoạt động văn hoá, xã hội...

Nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung chỉ đạo những lĩnh vực, chỉ tiêu đạt thấp, các dự án trọng điểm, những vấn đề nổi cộm, bức xúc... Nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Nhà nước, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong hoạt động bộ máy nhà nước...

Tr.T