Công tác tuyên truyền và tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm giải pháp hàng đầu

Cập nhật lúc 16:00, Thứ Năm, 10/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhân dịp Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên tổ chức tại Đồng Hới về chủ đề “Báo Đảng với việc tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GT-VT, Phó trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh.

* P.V: Thưa đồng chí, qua theo dõi tình hình được biết trong năm 2011 và các tháng đầu năm 2012 tỉnh ta là một trong những địa phương giảm cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông. Xin đồng chí cho biết những giải pháp mà tỉnh ta đã thực hiện để có kết quả tích cực đó?

- Đ/c Phạm Quang Hải: Các năm qua trên lĩnh vực TTATGT đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo điều hành linh hoạt và quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Ban ATGT các huyện, thành phố; tai nạn giao thông đã được kiềm chế giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.

Cụ thể, trong năm 2011 toàn tỉnh xảy ra 207 vụ tai nạn giao thông, làm chết 206 người, làm bị thương 100 người. Quảng Bình là một trong 10 địa phương được Thủ tướng Chính phủ biểu dương đã phấn đấu giảm nhiều người chết do tai nạn giao thông trong năm 2010 và 2011.

Năm 2012 được xác định là “Năm An toàn giao thông” với chủ đề “Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn”. Sau 4 tháng triển khai thực hiện kế hoạch hành động "Năm An toàn giao thông 2012", tình hình TTATGT trên địa bàn toàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, giao thông thông suốt không để xảy ra ùn tắc, đặc biệt là đã phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm TTATGT trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Nhâm Thìn 2012; TNGT đã được kiềm chế và giảm đáng kể.

Ngày 6-4-2012, Quảng Bình đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương là một trong 33 địa phương đã phấn đấu giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông) trong quý I năm 2012.

Hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được cải thiện. Ảnh: Tr.T
Hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được cải thiện. Ảnh: Tr.T

Để đạt được những kết quả đó, trong quá trình triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm  TTATGT, trong điều kiện nguồn kinh phí để nâng cấp, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, mua sắm phương tiện, thiết bị hiện đại còn khó khăn, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, công văn để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm TTATGT trên toàn tỉnh, trong đó tập trung một số giải pháp quan trọng sau:

Thứ nhất, là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Thời gian qua, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền sâu rộng Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ; các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh đến toàn thể nhân dân trong toàn tỉnh. Các tổ chức, đoàn thể đã chủ động xây dựng chương trình hành động, phát động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các hội thi như tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa.

Tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông bằng văn hóa  - nghệ thuật là cách làm mới, huy động sự tham gia của các nhà báo, trí thức, văn nghệ sĩ... cùng vào cuộc xây dựng nếp sống văn hóa giao thông.  Hệ thống các phương tiện truyền thông đại chúng mà trung tâm là hệ thống báo chí hiện nay phát triển rất mạnh mẽ, đã trở thành một kênh thông tin rất quan trọng của xã hội.

Công tác tuyên truyền được đa dạng hoá với nhiều hình thức phong phú. Ban ATGT tỉnh phối hợp với UBMTTQ tỉnh, Phòng CSGT Công an tỉnh, Đài PT-TH Quảng Bình và Ban ATGT các huyện, thành phố tổ chức thi tìm hiểu pháp luật giao thông trên sóng truyền hình năm 2011 với chủ đề “Điểm đến an toàn - Gia đình văn hóa”. Các cuộc thi đều được phát trên sóng của Đài PT-TH tỉnh, trong đó có cuộc thi chung kết được phát sóng trực tiếp trên Đài PT-TH tỉnh vào ngày 29-12-2011. Báo Quảng Bình phát động cuộc thi viết về đề tài TTATGT năm 2012... Các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đều quan tâm lồng ghép các cuộc sinh hoạt để tuyên truyền nhận thức về lĩnh vực TTATGT cho cán bộ, hội viên, đoàn viên...

Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm TTATGT. Công tác tuần tra xử lý vi phạm TTATGT là một trong hai giải pháp quan trọng hàng đầu về bảo đảm TTATGT, có tác dụng răn đe, giáo dục nâng cao hiệu quả tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đối với các đối tượng thiếu ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT. Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý kiên quyết và nghiêm khắc các hành vi vi phạm về TTATGT đúng người, đúng lỗi vi phạm và đúng pháp luật, xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ, thực hiện phương pháp tạm giữ phương tiện đối với người vi phạm về TTATGT.

Trong năm 2011, lực lượng CSGT Công an tỉnh và các huyện, thành phố đã thực hiện 9.479 ca tuần tra kiểm soát với 36.326 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia, lập biên bản 48.599 trường hợp, ra quyết định xử phạt 39.574 trường hợp, thu tiền qua Kho bạc Nhà nước 23.232.349.000 đồng; tạm giữ 8.541 phương tiện vi phạm TTATGT, trong đó ô tô 430 chiếc, mô tô 4.660 chiếc, tước giấy phép lái xe có thời hạn 1.198 trường hợp; đồng thời, khởi tố 36 vụ với 35 bị can, ra quyết định không khởi tố vụ án đối với 56 vụ, đang trong quá trình điều tra làm rõ 35 vụ, chuyển cơ quan điều tra Bộ đội Biên phòng tỉnh giải quyết  3 vụ.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã từng bước nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực TTATGT. Các năm qua các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; phân công cụ thể và quy định trách nhiệm cá nhân rõ ràng; từng ngành, từng địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp bảo đảm TTATGT bằng những chỉ tiêu cụ thể trong từng thời kỳ, phù hợp với phạm vi trách nhiệm và địa bàn quản lý; quy định việc xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT trong công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật ở các cấp và một số giải pháp khác...

* P.V: Tỉnh ta có hệ thống giao thông đường thủy tương đối phát triển, theo đó là số phương tiện, số người tham gia giao thông đường thủy khá lớn, xin đồng chí cho biết kết quả thực hiện phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên địa bàn?

- Đ/c Phạm Quang Hải: Tỉnh Quảng Bình có địa hình hẹp và dốc từ phía tây sang phía đông. Hệ thống sông suối khá lớn với mật độ 0,8 - 1,1 km/km2, có 5 sông chính là sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Dinh và sông Nhật Lệ.

Thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban ATGTQG về việc phát động thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”. Ban chỉ đạo cuộc vận động đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ ra quân và phân công nhiệm vụ các thành viên.

Các địa phương, đơn vị đã triển khai cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” với nhiều hoạt động thiết thực. Ban chỉ đạo đã tổ chức ra quân, huy động 100 thuyền diễu hành trên sông với hơn 300 người tham gia, 312 chủ thuyền ký cam kết thực hiện tốt phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; phối hợp với cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền sâu rộng Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và các văn bản có liên quan khác, nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

* P.V: Qua thực tiễn ở tỉnh ta và theo ý kiến của các chuyên gia trên lĩnh vực ATGT, vấn đề giáo dục nâng cao ý thức chấp hành luật pháp về TTATGT cho đối tượng thanh thiếu niên được xem là một yếu tố rất quan trọng làm giảm tai nạn giao thông một cách bền vững. Xin đồng chí cho biết kết quả công tác giáo dục pháp luật TTATGT trong trường học ở tỉnh ta thời gian qua?

- Đ/c Phạm Quang Hải: Công tác giáo dục nâng cao ý thức chấp hành luật pháp về TTATGT cho đối tượng thanh thiếu niên đặc biệt trong trường học là một yếu tố rất quan trọng làm giảm tai nạn giao thông một cách bền vững. Thời gian qua Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, Tỉnh đoàn chỉ đạo các trường đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm TTATGT trong trường học, lấy nội dung an toàn giao thông làm tiêu chí thi đua để học sinh thực hiện.

Đã phát động các cuộc thi tìm hiểu luật lệ an toàn giao thông trong các trường học; tổ chức sân chơi “Điểm đến an toàn” cho lực lượng đoàn viên thanh niên và học sinh trong toàn tỉnh, truyền hình trực tiếp các cuộc thi phát sóng đưa tin hàng tuần trên Đài PT-TH tỉnh, được nhân dân thường xuyên theo dõi và đồng tình hưởng ứng. Ngành Giáo dục-Đào tạo phối hợp với Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông đường bộ, đường sắt quan tâm chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông  trong toàn tỉnh.

Cụ thể trong năm 2011, đã tổ chức 126 lượt tuyên truyền ở các trường học, với 24.950 lượt giáo viên và học sinh tham gia; tổ chức tập huấn bồi dưỡng cán bộ giáo viên về phương pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông trong trường học 12 đợt với 2.500 lượt cán bộ giáo viên. Cùng với ngành Đường sắt, Hội đồng Đội, Tỉnh đoàn đã tổ chức phát động phong trào “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt” “Đoạn đường em chăm” và đã có trên 27.500 học sinh ở 42 xã dọc tuyến đường sắt tham gia; tổ chức triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên”. Dự án “Mũ bảo hiểm cho trẻ em” đã hỗ trợ cấp mũ bảo hiểm cho 8 trường tiểu học thuộc 4 huyện và thành phố Đồng Hới với tổng số 3.000 chiếc...

* P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

                                                                       Trọng Thái (thực hiện)




 

,
.
.
.