Triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số
(QBĐT) - Ngày 9/10, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 chủ trì hội thảo về các giải pháp triển khai, thúc đẩy CĐS và phiên họp thường kỳ đánh giá kết quả hoạt động CĐS, Đề án 06 trong quý III/2024. Tham dự có đồng chí Hoàng Xuân Tân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương.
Tại hội thảo, đại diện Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII cùng đại diện Công ty Gensys chia sẻ, giới thiệu 2 giải pháp, gồm: “Ứng dụng Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) thúc đẩy kinh tế-xã hội và quản lý hành chính tỉnh Quảng Bình”, “Quản lý đô thị thông minh sử dụng camera trên nền tảng trí tuệ nhân tạo”.
Qua đó, đề ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nhiều lĩnh vực, hoạt động và nâng cao hiệu quả công tác quản lý đô thị thông minh.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh: Hội thảo về các giải pháp triển khai, thúc đẩy CĐS là một trong những hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày CĐS Quốc gia (10/10) và của tỉnh với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế-Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành tham khảo, nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giải pháp phù hợp tại cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu suất, hiệu quả quản lý, điều hành, giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Trong phiên họp thường kỳ quý III/2024, đại diện các ngành, đơn vị, địa phương đã tập trung thảo luận đánh giá kết quả đạt được cùng những tồn đọng, hạn chế trong thực hiện CĐS và Đề án 06.
Tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về CĐS, kỹ năng số cho trên 2.097 cán bộ, công chức, viên chức và 664 thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn. Tỉnh còn tập trung nhiều hoạt động nhằm xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng…
Hệ thống cổng thông tin điện tử tỉnh tiếp tục được mở rộng và hoạt động ổn định. Tỷ lệ văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại cơ quan cấp tỉnh là 98%, cấp huyện là 95%, cấp xã là 76%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh đạt 76,15% …
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đề nghị Sở Thông tin-Truyền thông và Công an tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường trực, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các nhiệm vụ CĐS và thực hiện Đề án 06, đặc biệt là nhiệm vụ chưa hiệu quả, chậm chuyển biến.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin-Truyền thông khẩn trương tham mưu xây dựng đề án CĐS mang tính đột phá của tỉnh; giao Công an tỉnh duy trì củng cố, bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; thực hiện hiệu quả công tác cấp căn cước công dân, trọng tâm là cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi và chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện triển khai từng nhiệm vụ của Đề án 06 đúng tiến độ, hiệu quả…
Các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát tiến độ thực hiện những nhiệm vụ, kế hoạch về CĐS và Đề án 06 năm 2024 của ngành, lĩnh vực, địa phương để đôn đốc thực hiện, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, có sản phẩm cụ thể.
Mặt khác, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được giao.
Nh.V