icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Cần có cơ chế đặc thù để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục

  • 17:08 | Thứ Ba, 28/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Chiều ngày 28/5, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã tích cực tham gia thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận tại hội trường chiều 28/5
Đồng chí Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận tại hội trường chiều 28/5.

Thống nhất với báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc tiếp thu các ý kiến bổ sung vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga phát biểu về một số vấn đề liên quan đến chính sách cho giáo dục (GD), đề nghị Quốc hội cân nhắc.

Thứ nhất, về xây dựng, phát triển và mở rộng mô hình cơ sở GD chất lượng cao (Điều 22), dự thảo có bổ sung khái niệm về cơ sở GD chất lượng cao nhưng mới chỉ đề cập các tiêu chí đầu vào mà chưa rõ tiêu chí đầu ra. Phân tích về những khó khăn, bất cập trong việc triển khai mô hình trường phổ thông công lập CLC, học phí cao tại Hà Nội, đồng chí cho rằng Hà Nội vẫn chưa đáp ứng đủ trường lớp công lập để thực hiện GD đại trà.

Ý kiến cho rằng chính sách đặc thù khi đầu tư, nhân rộng xây dựng nhiều trường CLC, học phí cao trong triển khai, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến phân tầng giáo dục phổ thông (GDPT); trường chất lượng cao chỉ dành cho con em gia đình có điều kiện, dẫn đến sự bất bình đẳng, gây áp lực cho người học và nhân dân. Trong lúc đó, GD tiểu học, trung học cơ sở là GD miễn phí.  

Đồng chí nêu rõ, ý kiến của rất nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Luật GD vừa sửa đổi năm 2019 không quy định mô hình trường công lập CLC với quan điểm GDPT phải là GD toàn diện, bình đẳng. Trong hệ thống trường phổ thông công lập không nên có sự phân tầng bởi mục tiêu của GD công lập là tạo ra sự hưởng thụ công bằng trong GD.  

Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình trường công lập CLC, học phí cao sẽ không khuyến khích được khối tư thục phát triển nếu trường công cũng cung cấp dịch vụ GD đặc biệt. Theo đồng chí, cần có những cơ chế đặc thù, mạnh hơn, đặc biệt hơn để thúc đẩy xã hội hóa GD, tạo không gian phát triển bình đẳng công tư. Ý kiến cũng nhấn mạnh quan điểm của Luật GD “Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho GD; khuyến khích phát triển cơ sở GD dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội về GD chất lượng cao”.

Từ các nội dung phân tích nêu trên, đồng chí đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm về việc phát triển mô hình cơ sở GD CLC. Cần đánh giá tác động lâu dài, bảo đảm môi trường GD công bằng, trong lành, hạnh phúc, không trái các quan điểm chung về GD và nguyên tắc chung về trường công lập. 

Song song với đó, ý kiến đề nghị TP. Hà Nội tập trung xây dựng những trường chuẩn quốc gia, tạo sức lan tỏa cho GDPT cả nước; đầu tư mạnh hơn nữa cho việc xây dựng các trường mầm non, phổ thông công lập, bảo đảm mọi trẻ em đều được đến trường phổ thông theo nguyện vọng; trẻ em con nhà nghèo phải được học ở trường công.   

Thứ hai, về việc quy định cơ sở GD mầm non, phổ thông công lập của Thủ đô được thực hiện liên kết GD với cơ sở GD nước ngoài, đồng chí nêu rõ: Điều 107, Luật Giáo dục quy định: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác về GD giữa cơ sở GD của Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, yêu cầu GD và giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này. Nghị định số 86 của Chính phủ quy định cho phép các cơ sở GD mầm non, phổ thông tư thục được thực hiện việc liên kết đào tạo với nước ngoài.

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, Chính phủ chưa cho phép các trường công phổ thông, mầm non thực hiện liên kết với GD nước ngoài, chắc chắn là có lý lẽ, bởi những nguyên tắc của GD công và mục tiêu GDPT, mầm non. Hiện nước ta cũng chưa cam kết về dịch vụ GDPT với tổ chức thương mại thế giới. Vì vậy, việc đưa nội dung này vào quy định của luật cần quan tâm làm rõ các điều kiện cần thiết, cơ chế vận hành, quản lý giám sát... trên cơ sở không trái với quy định của pháp luật. Đây là chính sách mới, cần có thí điểm và tổng kết đánh giá sâu sắc, vì vậy cần cân nhắc việc áp dụng đối với tất cả các cơ sở GD phổ thông, mầm non công lập Hà Nội.
Ngọc Mai

tin liên quan

Đẩy nhanh tiến độ dự án "Đầu tư xây dựng và Phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở"

(QBĐT) - Sáng nay, 28/5, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với đoàn công tác Ban Quản lý dự án "Đầu tư xây dựng và Phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở", Bộ Y tế và Ngân hàng Thế giới về việc giám sát thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Hôm nay 28/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 28/5, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

(QBĐT) - Ngày 27/5, UBND tỉnh ban hành Công văn số 945/UBND-NCVX về việc thực hiện Công điện số 52/CĐ-TTg, ngày 24/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về vụ cháy nhà dân ở phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.