icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Triển khai, thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước

  • 13:41 | Thứ Hai, 13/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Sáng 13/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp các Trưởng Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tại buổi tiếp. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tại buổi tiếp. (Ảnh: DUY LINH)
Tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Bộ Ngoại giao trong những năm gần đây đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho các Trưởng Cơ quan đại diện trước khi lên đường nhận nhiệm vụ thông qua các lớp học chuyên đề, trao đổi, làm việc với các bộ, ngành, địa phương.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý các Trưởng Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là người đại diện cho Đảng và Nhà nước tại sở tại, triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam.
 
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần luôn quán triệt sâu sắc và triển khai tốt các nhiệm vụ, định hướng lớn của công tác đối ngoại đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII, Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất (tháng 12/2021), Nghị quyết 34 của Bộ Chính trị về một số về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, và các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Đây là kim chỉ nam cho hành động.
Quang cảnh buổi tiếp tại Nhà Quốc hội. (Ảnh: Duy Linh)
Quang cảnh buổi tiếp tại Nhà Quốc hội. (Ảnh: Duy Linh)
Nhấn mạnh ngoại giao là kết tinh của trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong các hoạt động cần phải đặt lợi ích quốc gia lên trước hết và trên hết, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
 
Quốc hội là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời là cơ quan lập pháp cao nhất của Nhà nước. Đối ngoại quốc hội kết nối nguyện vọng của nhân dân ta với nhân dân các nước, kết nối chính sách và tầm nhìn phát triển của Việt Nam với các đối tác.
 
Với ý nghĩa đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Trưởng Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài triển khai đồng bộ các kênh đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc hội trên tinh thần tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
 
Cần tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Quốc hội ta với cơ quan lập pháp nước sở tại để thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với các Nghị sỹ của nước sở tại.
 
Trưởng Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động, tích cực sâu rộng hơn nữa tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, trong đó có các diễn đàn liên nghị viện, thực hiện Chỉ thị số 25 ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
 
Đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 15 ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu trong triển khai hoạt động ngoại giao kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi tiếp. (Ảnh: Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi tiếp. (Ảnh: Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Trưởng Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài góp phần tích cực vào bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia “từ sớm, từ xa”, bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, quan trọng, được thực hiện một cách kiên trì, bền bỉ.
 
Hiện, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó có các cơ quan đối ngoại đang tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
 
Vì vậy, các Trưởng Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phải thuộc nằm lòng nhiệm vụ này để áp dụng cho công tác của Cơ quan đại diện trong thời gian tới.
 
Nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, nhất là trong bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Cần xem đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên; thực hiện tốt Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
 
Với đặc thù công tác ngoài nước, Trưởng đại diện có lợi thế lớn trong việc tiếp cận, nắm bắt thông tin và chính sách của các nước, các đối tác của Việt Nam.
 
Chủ tịch Quốc hội mong các Trưởng cơ quan đại diện tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng nhà nước pháp quyền, công tác giám sát của Quốc hội, xây dựng pháp luật cũng như kinh nghiệm phòng ngừa và xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế của nước bạn, từ đó góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập sâu rộng của đất nước. 
Các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài dự buổi tiếp. (Ảnh: Duy Linh)
Các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài dự buổi tiếp. (Ảnh: Duy Linh)
Về chính sách đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở ngoại giao, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn dành sự quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như các chế độ, chính sách đối với cán bộ để tương xứng với thế và lực mới của đất nước, xứng đáng là nền ngoại giao của một nước 100 triệu dân.
 
Đối với các địa bàn châu Âu (Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan), Chủ tịch Quốc hội mong muốn các Trưởng Cơ quan đại diện của Việt Nam tích cực phối hợp, thúc đẩy để 15 nước châu Âu còn lại phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) và Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
 
Tại các địa bàn châu Phi, châu Mỹ và Nam Á như Nam Phi, Nigeria, Algeria, Angola, Canada, Brazil, Venezuela, Bangladesh cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản; tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới, tận dụng thế mạnh của Việt Nam trong hợp tác về nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho ngành chế biến nông sản của Việt Nam, đặc biệt là hạt điều từ các nước châu Phi.
 
Đồng thời, không ngừng củng cố, xây đắp quan hệ hữu nghị, hợp tác để làm cơ sở vận động sự ủng hộ của các nước bạn đối với lợi ích của ta trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương khác.
 
Tại các địa bàn Đông Nam Á như Malaysia, Brunei là láng giềng gần gũi, coi trọng duy trì quan hệ đoàn kết gắn bó, song phương và trong khuôn khổ ASEAN, thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao.
 
Chủ tịch Quốc hội lưu ý các Trưởng Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ, tạo thế đan xen lợi ích và tăng cường tin cậy với các đối tác; tất cả vì mục tiêu phát triển đất nước.
 
Theo VĂN CHÚC (Nhân Dân)

tin liên quan

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp lãnh đạo IPU

Ngày 12/3, nhân dịp tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 146, được tổ chức tại thủ đô Manama của Bahrain, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gặp Chủ tịch IPU Duarte Pacheco và tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak.
 

Thông báo lịch tiếp công dân định kỳ phiên tháng 3/2023

(QBĐT) - Ban Nội chính Tỉnh ủy và Văn phòng UBND tỉnh vừa có công văn thông báo về việc tổ chức tiếp dân định kỳ phiên tháng 3/2023 của các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu tình hình mới

(QBĐT) - Sáng nay, 11/3, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tọa đàm "Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu tình hình mới" bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước.