icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Quốc hội dự kiến thực hiện 4 chuyên đề giám sát năm 2023

  • 19:32 | Thứ Hai, 23/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Trong số 4 chuyên đề giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn trình Quốc hội xem xét, quyết định, có nội dung ‘huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng’; và ‘thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021’.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Chiều 23/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.
 
Trình 4 chuyên đề để Quốc hội xem xét, quyết định
 
Căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đặc điểm tình hình năm 2023 và đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.
 
Đối với giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực với 121 vấn đề thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, nội dung đã thực hiện, năng lực thực hiện của các cơ quan, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ.
 
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
 
Bốn chuyên đề dự kiến gồm: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
 
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng Chương trình giám sát, có một số nội dung được nhiều cơ quan đề xuất nhưng sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không lựa chọn và đã giải trình cụ thể. Đối với các đề xuất còn lại, căn cứ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân công Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xem xét, tiến hành giám sát hoặc tổ chức các phiên giải trình cho phù hợp.
 
Tiếp tục đổi mới, giám sát “đúng” và “trúng”
 
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát trong thời gian tới, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần chủ động trong hoạt động giám sát; quán triệt và thực hiện nghiêm quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế Hoạt động giám sát của Quốc hội.
 
Tiếp tục đổi mới, giám sát “đúng” và “trúng”, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận, xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn; sử dụng thông tin từ cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra trong quá trình tiến hành giám sát.
 
“Việc xây dựng, ban hành nghị quyết về giám sát, chất vấn cần gọn, rõ, có các tiêu chí định lượng, mốc thời gian, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát”, Tổng Thư ký Quốc hội cho hay.
 
Ngoài ra, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình, báo cáo kết quả thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường yêu cầu giải trình về những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước và giải tỏa bức xúc trong xã hội.
 
Thường xuyên làm việc với các bộ, ngành trung ương để đánh giá việc thực hiện các kiến nghị, nâng cao trách nhiệm của cơ quan và người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát; những vấn đề sau giám sát được kiến nghị nhưng chưa được giải quyết cần đôn đốc, nếu cần thì tổ chức giám sát lại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tháng 9 hằng năm.
 
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng kiến nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ở trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát. Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
Theo HOÀI VĂN (Nhân Dân)
 

tin liên quan

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

(QBĐT) - Hôm nay, 23/5, tại thủ đô Hà Nội, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 3. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình do đồng Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQB tỉnh cùng các ĐBQH: Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn; Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Thị Tuyết Nga, Nguyễn Tiến Nam, Trần Quang Minh đã tham dự kỳ họp.

Hội thảo tham vấn dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia

(QBĐT) - Trong 2 ngày 23 và 24/5, tại TP. Đồng Hới, Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) đã tổ chức hội thảo tham vấn Dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ TN&MT chủ trì hội thảo. 

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV

Tại kỳ họp, Quốc hội xem xét, thông qua 5 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết với nhiều nội dung để tiếp tục thực hiện chính sách thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi kinh tế.