icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đầu tư cho phòng, chống thiên tai là đầu tư cho phát triển bền vững

  • 13:44 | Thứ Hai, 25/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng nay, 25/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2022. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới hơn 700 điểm cầu của 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp quận, huyện.
 
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
 
Năm 2021, thiên tai trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt, với gần 380 trận thiên tai, làm 16.000 người chết, thiệt hại về kinh tế trên 343 tỷ USD. Ở trong nước, thiên tai tuy không khốc liệt, dị thường như năm 2020 nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
 
Trong năm, đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); 326 trận giông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất,…
 
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 cũng như thiếu thốn về nguồn lực, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên thiệt hại do thiên tai năm 2021 giảm 70% so với năm 2020, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng, giảm 87% so với năm 2020.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình
Đánh giá về kết quả PCTT và TKCN của Ban Chi đạo quốc gia về PCTT cho thấy, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song công tác PCTT năm 2021 vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đó là, vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn; việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở một số nơi còn mang tính hình thức.
 
Khả năng ứng phó với tình huống thiên tai lớn còn hạn chế; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp; nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả mới chỉ đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu thực tế của các địa phương. 
 
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, năm 2022, trong nước có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 12-14 cơn bão và ATNĐ. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng và khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình
Sự dị thường của thời tiết đã được thể hiện ngay trong đợt mưa lũ lớn trái quy luật giữa mùa khô, kèm theo giông lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà từ ngày 30/3 đến 2/4 vừa qua. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng.
 
Trên cơ sở phân tích các khó khăn, hạn chế, nhận định tình hình thời tiết và thiên tai trong năm 2022, tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các địa phương và tổ chức quốc tế đã tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.
 
Trong đó, công tác dự báo các tình huống thiên tai; xây dựng hệ thống công trình chắn sóng; nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai; bố trí nguồn lực cho công tác PCTT và TKCN; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng về PCTT… là những nội dung được quan tâm, thảo luận.
Các điểm cầu trong cả nước.
Các điểm cầu trong cả nước.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, cần chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai để ứng phó từ sớm, từ xa.
 
Tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong PCTT và TKCN.
 
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đầu tư cho PCTT là đầu tư cho phát triển bền vững. Vì vậy, phải ưu tiên cơ sở vật chất phục vụ cho công tác cảnh báo, dự báo thiên tai; chủ động xây dựng kế hoạch PCTT năm 2022 trên phạm vi toàn quốc, tuyệt đối không chủ quan.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Đồng thời, củng cố hệ thống PCTT cơ sở, có lực lượng chuyên nghiệp, thiết bị, phương tiện hiện đại phục vụ công tác ứng phó thiên tai và TKCN, nhất là tình huống thiên tai phức tạp; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức PCTT. 
 
Dịp này, cả nước có 43 tập thể và 66 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT-TKCN năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNN khen thưởng.
A.Tuấn
 

tin liên quan

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước

(QBĐT) - Sáng nay, 25/4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát (KT,GS) của Đảng quý I, triển khai nhiệm vụ 2022 do đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương chủ trì.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xã giao Chủ tịch Tập đoàn Dohwa Engineering

(QBĐT) - Sáng nay, 25/4, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi tiếp xã giao đoàn công tác của Tập đoàn Dohwa Engineering - Hàn Quốc, do ông Park Seung Woo, Chủ tịch Tập đoàn dẫn đầu. Cùng tham gia buổi tiếp có đại diện các sở, ngành liên quan và Văn phòng UBND tỉnh.

Khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho bí thư cấp ủy cấp xã

(QBĐT) - Sáng nay, 25/4, tại Trường Chính trị tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho bí thư cấp ủy cấp xã, nhiệm kỳ 2020-2025 (lớp thứ hai).