icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thông qua Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015

  • 14:05 | Thứ Ba, 23/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 5, sáng 23-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, 100% ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
 
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu cho ý kiến vào nội dung phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu cho ý kiến vào nội dung phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2022 và được áp dụng cùng với Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.
 
Trước đó, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở văn bản số 148/TB-TTKQH thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có văn bản số 6754/VPCP-PL giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, soạn thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số quy định của Bộ luật Hình sự liên quan hành vi vi phạm bí mật kinh doanh. 
 
Mục đích của việc ban hành Nghị quyết là nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả và đúng lộ trình các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
 
Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch để áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự trong xử lý hành vi phạm tội cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội; bảo đảm thực hiện có hiệu quả và đúng lộ trình các cam kết của Việt Nam đối với Hiệp định CPTPP.
 
 Quang cảnh phiên họp thứ năm của Ủy ban Thường vụ Quốc sáng 23-11.  (Ảnh: Duy Linh)
Quang cảnh phiên họp thứ năm của Ủy ban Thường vụ Quốc sáng 23-11. (Ảnh: Duy Linh)
Báo cáo cụ thể về nội dung của dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm ba điều.
 
Cụ thể, Điều 1 giải thích hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 289 Bộ luật Hình sự được hiểu là bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả nghe, đọc, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh. 
 
Điều 2 quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện theo hướng giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
 
Điều 3 quy định thời điểm có hiệu lực thi hành.
 
Thẩm tra nội dung của dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự trong xử lý hành vi vi phạm bí mật kinh doanh là cần thiết, đúng thẩm quyền. 
 
Ủy ban Tư pháp nhất trí với việc ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn với những lý do đã nêu trong Tờ trình. Đồng thời, hồ sơ gửi thẩm tra được chuẩn bị theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp quy định tại Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng nhất trí với tên gọi của Nghị quyết là: “Nghị quyết giải thích khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015”.
 
Về nội dung giải thích đáp ứng yêu cầu tại khoản 2 Điều 18.78 của Hiệp định, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhất trí với việc lựa chọn khoản 1 Điều 289 của Bộ luật hình sự để giải thích nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định.
 
Đối với nội dung giải thích đáp ứng yêu cầu tại khoản 3 Điều 18.78 của Hiệp định, Ủy ban Tư pháp nhất trí không bổ sung mục đích vào nội dung giải thích, vì không phù hợp với quy định điểm c khoản 2 Điều 158 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật “Việc giải thích luật phải bảo đảm nguyên tắc không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy định mới”. 
 
Nếu bổ sung mục đích phạm tội sẽ thu hẹp phạm vi xử lý hình sự, không phù hợp với cấu thành cơ bản của Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Hơn nữa, tạo ra sự không thống nhất, không bình đẳng trong chính sách hình sự đối với các hành vi trong cùng một điều luật, gây khó khăn trong quá trình áp dụng...
 
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị ngay sau phiên họp hôm nay, Ủy ban Tư pháp hoàn chỉnh thủ tục để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành theo quy định.
 
Theo VĂN CHÚC (Nhân Dân)

tin liên quan

51 ca nhiễm Covid-19 mới, nhiều ổ dịch phức tạp

(QBĐT) - Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 22-11 đến 6 giờ ngày 23-11), Quảng Bình ghi nhận thêm 51 ca nhiễm Covid-19 mới.

Không tổ chức tiếp xúc cử tri trực tiếp sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

(QBĐT) – Hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) trực tiếp sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh sẽ không tiến hành như thông báo do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Quảng Bình quyết tâm không để phát sinh thêm các ổ dịch mới

(QBĐT) - Sáng nay, 22-11, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã họp trực tuyến với các địa phương để nghe báo cáo tình hình và bàn các giải pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.