icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với đợt mưa lũ mới

  • 21:54 | Thứ Sáu, 16/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 15-10, Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện số 14/CĐ-UBND, điện Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh.
 
Nội dung Công điện cụ thể như sau:  
 
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quảng Bình, từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 10 trên địa bàn tỉnh ta có mưa rất to trên diện rộng (cao điểm mưa tập trung trong ngày 17 đến ngày 19 tháng 10). Nguy cơ lũ lớn diện rộng xuất hiện trở lại, khả năng đạt và vượt mức báo động 3; sạt lở do đất đã no nước, bở rời; các khu dân cư, nhất là các bản, xã miền núi bị chia cắt, cô lập do mưa lũ; các hồ chứa trên địa bàn, đặc biệt hồ chứa nhỏ, đê, kè xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố, tình huống khẩn cấp; tai nạn về người do thực hiện các biện pháp phòng chống mưa lũ, vớt củi, đánh bắt hải sản...
 
Trong điều kiện vừa khắc phục hậu quả mưa lũ mới qua, vừa triển khai ứng phó đợt mưa lũ sắp tới được dự báo rất nghiêm trọng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị ưu tiên nhiệm vụ cấp bách những ngày tới cho công tác phòng chống thiên tai, triển khai ngay một số nhiệm vụ sau:
 
1. Thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 08/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 08/10/2020, Công điện số 11/CĐ-UBND ngày 11-10-2020, Công điện số 12/CĐ-UBND, số 13/CĐ-UBND ngày 13-10-2020; Công văn số 1836/UBND-KT ngày 09/10/2020 của UBND tỉnh và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 3645/TB-VPUBND ngày 15-10-2020.
 
2. UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo về diễn biến mưa, lũ, vận hành hồ chứa, thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.
 
3. Khuyến cáo người dân ở các khu dân cư có khả năng bị chia cắt do mưa lũ khẩn trương dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm chủ động ứng phó với đợt mưa lũ sắp tới, nhất là các thôn, bản khu vực miền núi, trong đó lưu ý 40 bản đã bị chia cắt trong đợt mưa lũ vừa qua; người dân, các cơ quan, công sở, trường học, trạm y tế... ở những khu vực có nguy cơ ngập sâu kê cao, di dời tài sản, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn.
 
4. Khẩn trương rà soát, kiểm tra các địa điểm dân cư, trạm, lán trại có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, nhất là các khu vực có Taluy âm, Taluy dương, chủ động sơ tán, di dời người dân, cán bộ, chiến sỹ, nhân viên, người lao động đến nơi an toàn. Nắm chắc thông tin về người dân đang còn ở trong rừng, yêu cầu ra khỏi rừng hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
 
Sẵn sàng sơ tán người dân ở các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, trong đó chú ý phương án có thể sơ tán dài ngày. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, chủ động cho học sinh nghỉ học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên trước, trong và sau mưa lũ.
 
5. Tiếp tục quản lý chặt chẽ, không cho tàu thuyền ra khơi cho đến khi không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia. Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn, nhất là ở các vùng cửa sông, cửa biển.
 
6. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là khu vực ngập sâu, chảy xiết, chủ động dừng các hoạt động đối với cầu phao, đò ngang khi có mưa lũ lớn; tiếp tục vận động, tuyên truyền đồng thời nghiêm cấm việc người dân vớt củi, đánh bắt thủy sản trên sông, suối khi mưa lũ.
 
7. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để cứu hộ, cứu nạn, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo an ninh trật tự, hệ thống giao thông, hệ thống thông tin, hệ thống điện vận hành thông suốt. Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa, công trình bị hư hỏng, đang thi công, các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa vừa và nhỏ đã đầy nước; khẩn trương vận hành, điều tiết nước trong hồ, nhất là các hồ chứa nhỏ để đón đợt mưa lũ mới theo nguyên tắc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân vùng hạ du và an toàn đập, hồ chứa, tuyệt đối không chủ quan, tích trữ nước, khi lũ lên lại xả nước gây lũ chồng lũ vùng hạ du; bố trí lực lượng trực canh, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để đảm bảo an toàn khi có tình huống xảy ra.
 
8. Đài Khí tượng thuỷ văn Quảng Bình tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ, dự báo và cung cấp thông tin cho lãnh đạo tỉnh để chỉ đạo và phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình, các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thanh cơ sở thông tin kịp thời để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.
 
9. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Bình và các cơ quan truyền thông dành thêm thời lượng truyền thông, kịp thời đưa tin về diễn biến tình hình mưa lũ, công tác chỉ đạo điều hành, khắc phục hậu quả thiên tai.
 
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện./.