icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020

  • 16:22 | Thứ Bảy, 31/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng 31-10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020; triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo. 
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phong chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phong chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Tham dự hội nghị ở điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
 
Chủ trì hội nghị ở điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan. 
 
Phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến toàn quốc năm 2020, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2019-2020 là một năm học đặc biệt với đầy khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngành GD-ĐT cả nước đã thực hiện tốt mục tiêu kép đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và hoàn thành kế hoạch năm học. Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch năm học.
 
Năm học 2019-2020 nói riêng và giai đoạn 2016-2020 nói chung, ngành giáo dục đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình
Trong năm học 2019-2020, ngành giáo dục tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; triển khai nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong năm học vừa qua và giai đoạn 2016-2020, toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu hoàn thiện khung pháp lý cho đổi mới giáo dục, đặc biệt là ban hành 2 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục 2019. 
 
Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Giai đoạn vừa qua cũng đánh dấu bước đột phá của giáo dục đại học trong thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo. Giáo dục đồng thời ghi dấu ấn với sự chuyển đổi số mạnh mẽ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, điển hình là việc dạy học trực tuyến qua internet và trên truyền hình, nhất là trong thời gian giãn cách, cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19. 
 
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao và ghi nhận những kết quả mà ngành giáo dục đạt được. Về những bất cập, tiêu cực của ngành giáo dục đã phản ánh trong thời gian qua, Phó Thủ tướng đề nghị phải nhìn nhận một cách bình tĩnh; phải xác định đổi mới là một quá trình liên tục và quá trình thực hiện cần phải có sự điều chỉnh, nhìn nhận từng vấn đề đúng, sai. Do đó, không nên mất lòng tin vào quá trình đổi mới giáo dục. 

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phong tham gia quyên góp ủng hộ học sinh miền Trung bị thiệt hại do bão lụt.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phong tham gia quyên góp ủng hộ học sinh miền Trung bị thiệt hại do bão lụt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị các ban, ngành cần phải quan tâm đến công tác giáo dục, quan tâm đến khái niệm văn hóa trong giáo dục. Giáo dục phải liên quan đến toàn dân và mọi người cùng phải tham gia vào công tác giáo dục, đặc biệt là công tác giáo dục ngoài nhà trường. Công tác giáo dục cũng cần phải tiến tới hội nhập quốc tế. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo đủ trường, đủ lớp, đủ giáo viên cho học sinh. Không phải vì cứ tinh giản biên chế mà để các trường thiếu giáo viên. Tiến tới đa dạng giáo dục phổ thông, phải thực hiện bình đẳng trong giáo dục; không để quá nhiều trường chuyên, lớp chọn; bỏ dần việc học nhồi nhét, thụ động, thiếu tính phản biện, tính hình thức, phiền phức trong giáo dục... 
Cácđại biểu dự hội nghị tham gia quyên góp ủng hộ học sinh miền Trung bị thiệt hại do bão lụt.
Các đại biểu dự hội nghị tham gia quyên góp ủng hộ học sinh miền Trung bị thiệt hại do bão lụt.
Trước đó, sau lời phát động kêu gọi của Bộ GD-ĐT, cùng với các điểm cầu trong cả nước, các đại biểu dự hội nghị tại tỉnh Quảng Bình đã chung tay quyên góp ủng hộ học sinh miền Trung bị thiệt hại do thiên tai, bão lụt.
A.T