icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA

  • 08:08 | Thứ Ba, 11/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường phổ biến về EVFTA cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động như nông dân, ngư dân, cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
 
Kế hoạch nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định này.
 
Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ cơ bản như tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU; xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
 
Về công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường phổ biến về EVFTA cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động như nông dân, ngư dân, cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, công nhân, các thành phần lao động khác thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử…
 
Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại-đầu tư tại các nước EU nhằm thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp các nước về cơ hội và lợi thế môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam, qua đó phát triển quan hệ thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực trọng điểm.
 
Cùng với đó là xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
 
Tập trung cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học-công nghệ, an toàn, thân thiện với môi trường; tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng…/.
 
Theo TTXVN/Vietnam+