icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Bộ Tài chính:

Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài

  • 14:52 | Thứ Hai, 31/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sáng 31-8, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước về “Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020” dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà.

Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham dự tại điểm cầu Quảng Bình.
Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham dự tại điểm cầu Quảng Bình.

Tham dự tại điểm cầu tại Quảng Bình có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 8 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của cả nước đạt 21,64% dự toán kế hoạch được giao và cao hơn cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều mức bình quân chung giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của cả nước.

Đánh giá tổng thể cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của nước ngoài chịu sự tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn các dự án trong nước, bởi nhiều hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài như nhập khẩu máy móc, thiết bị hay huy động chuyên gia, nhà thầu, tư vấn giám sát nước ngoài... Bên cạnh đó, năng lực của không ít chủ dự án còn yếu, vấn đề vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; điều chỉnh, sử dụng vốn dư... làm chậm thêm tiến độ giải ngân nguồn vốn này.

Tại tỉnh Quảng Bình, theo số liệu thống kê của các chủ đầu tư, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư vay nước ngoài của các dự án ODA trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ đầu năm đến ngày 31-8-2020 đạt 21,55% kế hoạch. Cụ thể: Nguồn vốn ODA (ngân sách Trung ương cấp; cho vay lại) có tỷ lệ giải ngân 18,8% (179.586 triệu đồng); nguồn đối ứng có tỷ lệ giải ngân 33,70% (72.879 triệu đồng). Về giải ngân vốn đầu tư công kéo dài năm 2019 sang năm 2020 nguồn vốn ODA giải ngân đạt tỷ lệ 40,7% (69.687 triệu đồng).

Trước tình hình kết quả giải ngân trên, các chủ đầu tư cam kết kết quả giải ngân đến ngày 31-12-2020 như sau: Đối với nguồn vốn ODA phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 74,27% (709.269 triệu đồng) và nguồn vốn đối ứng phấn đấu đạt 83,11% (179.741 triệu đồng).

Tại các điểm cầu, lãnh đạo các địa phương đã phát biểu về những vấn đề khó khăn, vướng mắc, hạn chế; đưa ra các kiến nghị, đề xuất và các giải pháp nhằm thực hiện đạt kết quả cao trong việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài. Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các địa phương, lãnh đạo Bộ Tài chính đã có ý kiến cụ thể đối với từng vấn đề cụ thể của từng địa phương...

Trước thực tế nói trên, Bộ Tài chính cho rằng, thời gian còn lại của năm 2020, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ đặt ra còn rất nhiều thách thức cho tất cả các bộ, ngành, địa phương. Nếu các bộ, ngành, địa phương không có những biện pháp kịp thời, dẫn đến việc lặp lại tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài như năm 2019 sẽ ảnh hưởng lớn đến các nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ và ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của giai đoạn trung hạn 2016-2020.

Để đẩy nhanh tiến độ và kết quả giải ngân vốn ODA và vốn vay nước ngoài, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo đúng quy định. Qua đó, góp phần bảo đảm chi trong dự toán được phân bổ và chi đúng quy định. Chỉ đạo các ban quản lý dự án phối hợp với cơ quan cho vay lại trong việc thẩm định phương án tài chính đối với các dự án cho vay lại; thẩm định tài sản bảo đảm để cơ quan cho vay lại sớm báo cáo và đề xuất các phương án giải quyết những vướng mắc phát sinh (nếu có) để gửi Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính cũng đề nghị, các địa phương cần khẩn trương phân bổ chi tiết dự toán còn lại đến từng dự án, bảo đảm sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để có cơ sở giải ngân. Trường hợp không có nhu cầu phân bổ tiếp số vốn còn chưa phân bổ hoặc trả lại số vốn không sử dụng, cần báo cáo ngay Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển kế hoạch vốn.

Các địa phương chỉ đạo các chủ dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn và kéo dài trên 3 tháng nhưng chưa báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ cần khẩn trương hoàn tất thủ tục lập đơn rút vốn hoàn chứng từ đối với khối lượng công việc đã hoàn thành và đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi; không đợi dồn vào cuối năm mới làm thủ tục hoàn chứng từ. Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát, làm việc cụ thể với các địa phương và các dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn để thúc đẩy việc giải ngân từ các tài khoản đặc biệt này.

Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng) để tiến hành kiểm đếm ngay cho từng dự án, từng địa phương đã có khối lượng hoàn thành; không chờ toàn bộ các địa phương tham gia chương trình, dự án hoàn thành mới tiến hành kiểm đếm.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp để rà soát, đối chiếu số liệu giải ngân với Bộ Tài chính nhằm công khai số liệu giải ngân trên trang điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ giải ngân...

                                        Bùi Thành