icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tiếp tục phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội

  • 17:39 | Thứ Năm, 26/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - UBND tỉnh vừa có công văn số 457/UBND-KT gửi các sở, ban ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tiếp tục phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
 
Nội dung công văn như sau:
 
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chưa ghi nhận ca bệnh dương tính với Covid-19. Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đảm bảo đời sống của người dân, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tuyệt đối không để dịch phát sinh và lây lan trên địa bàn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tập trung thực hiện một số nội dung sau: 
 
1. Tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động số 71/KH-UBND ngày 20/01/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Kế hoạch hành động số 281/KH-UBND ngày 03/3/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. 
 
Chú trọng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, thiết thực nhằm thúc đẩy giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
 
2. Chủ động xây dựng các kịch bản, kế hoạch, phương án tăng trưởng cụ thể của ngành, địa phương trong và sau khi dịch bệnh kết thúc. Rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng và mức độ thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên các lĩnh vực, địa bàn quản lý, kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương hướng chỉ đạo.
 
3. Tập trung thực hiện nhóm giải pháp tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, thuế; cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, cụ thể:
 
a) Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Bình chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối, đáp ứng đầy đủ kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí,... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; sớm triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm kích thích kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
 
b) Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
- Thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời các chính sách miễn, giảm, gia hạn, hoàn thuế theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá công tác thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế.
 
- Xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời có biện pháp không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật.
 
c) Thanh tra tỉnh, Thanh tra các sở, ngành, địa phương: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao.
 
d) Sở Tài chính: Rà soát, tham mưu theo thẩm quyền việc giảm phí, lệ phí đối với các trường hợp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tham mưu đề xuất các phương án giảm phí, lệ phí trình UBND tỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền. 
 
e) Các sở, ngành, địa phương: Tập trung chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, qua đó cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
 
4. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường:
 
a) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
 
- Theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp chủ động triển khai ngay các phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống.
 
- Dự báo nhu cầu của thị trường, tham mưu, đề xuất các phương án đảm bảo nguyên vật liệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ; chú trọng nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
 
- Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là đối với các cơ sở công nghiệp mới hoàn thành đưa vào sản xuất; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với doanh nghiệp (về thị trường, thuế, vốn, lao động, nguyên liệu, điện...) để phát huy và khai thác tốt công suất của các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có. Phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để triển khai Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I&II theo đúng tiến độ nhằm nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2020 và các năm tiếp theo, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp bền vững và tăng thu ngân sách. Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
b) Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình: Tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, đặc biệt là đối với các mặt hàng phục vụ chống dịch (như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế) và các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân. Đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong giai đoạn hiện nay và phải được tập trung ưu tiên thực hiện với quyết tâm cao.
 
5. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư
 
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
 
- Khẩn trương đôn đốc các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, bảo đảm giải ngân hết số vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, có chế tài xử lý nghiêm nếu để chậm trễ; chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các dự án sử dụng vốn đầu tư công.
 
- Tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tận dụng tốt cơ hội phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án đã được cấp phép đầu tư triển khai theo tiến độ. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh. 
 
b) Các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư: Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, xây dựng kế hoạch tiến độ thi công, kế hoạch tiến độ thực hiện cụ thể từng dự án; thường xuyên đôn đốc tiến độ và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh; sớm giải ngân kế hoạch vốn được giao, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn.
 
6. Thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch
 
Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai một số nhiệm vụ sau:
 
- Chủ động tìm hiểu, nắm bắt, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các phương án hỗ trợ, tháo gỡ, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của địa phương. 
 
-   Động viên các cơ sở du lịch khắc phục khó khăn, chuẩn bị các điều kiện để đón khách khi dịch kết thúc.
 
-  Chuẩn bị các giải pháp, phương án đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.
 
7. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về kết quả phòng chống, dịch Covid-19; đầy mạnh tuyên truyền các giải pháp của tỉnh trong ứng phó dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân.
 
8. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn phụ trách chú trọng công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là tại các điểm cách ly tập trung, các tuyến biên giới, cửa khẩu; kịp thời đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng xuyên tạc, đăng tải thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng về dịch bệnh Covid-19, gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng tâm lý người dân.
 
9. UBND tỉnh đề nghị cộng đồng doanh nghiệp chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời chủ động linh hoạt, sáng tạo, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, đảm bảo đời sống người lao động, nhanh chóng nắm bắt cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện, chủ động phối hợp các cơ quan liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh, định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất giải pháp (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư), báo cáo UBND tỉnh./.