icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho động vật

  • 16:57 | Thứ Ba, 25/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngày 25-2, UBND tỉnh tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật (PCDBĐV) tỉnh để đánh giá tình hình phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thời gian qua và đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo PCDBĐV tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các thành viên trong Ban chỉ đạo PCDBĐV tỉnh.

Đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo PCDBĐV tỉnh kết luận cuộc họp.
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo PCDBĐV tỉnh kết luận cuộc họp.

Tính đến cuối năm 2019, đàn lợn toàn tỉnh có 241.363 con, tăng 2% so với tháng 6-2019; đàn gia cầm có 4.260.553 con. Tổng đàn trâu, bò tương đương so với cùng kỳ.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta chưa xảy ra dịch cúm gia cầm, tai xanh, chó dại, long móng lở mồm. Riêng bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) còn phát sinh tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Để phòng chống DTLCP, tỉnh ta đã quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), Cục Thú y, Tỉnh ủy, UBND tỉnh... các kịch bản phòng chống thực tế. Cùng đó, hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành được ban hành đầy đủ, kịp thời từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Nhờ đó, công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực, đồng bộ, kịp thời từ tỉnh đến cơ sở. Vì vậy, khi có dịch xảy ra, công tác phòng, chống không bị lúng túng.

Tính từ ngày 13-6-2019 đến ngày 21-2-2020, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 351 hộ/158 thôn/58 xã, phường/8 huyện, thành phố, thị xã. Tổng số lợn tiêu hủy là 2.685 con, chiếm 1,14% tổng đàn lợn cả tỉnh, trọng lợn tiêu hủy là 137.738 kg. Đến nay, DTLCP ở xã Lê Hóa (huyện Tuyên Hóa) và xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) vẫn chưa qua 30 ngày.

Năm 2019, Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ cho tỉnh ta 25.000 lít hóa chất phòng chống DTLCP. UBND tỉnh cũng đã cấp kinh phí phục vụ công tác phòng, chống bệnh DTLCP với số tiền gần 2,6 tỷ đồng; cấp kinh phí cho các huyện ứng hỗ trợ lợn tiêu hủy số tiền hơn 5,237 tỷ đồng.

Công tác phòng, chống các dịch bệnh cúm gia cầm (CGC) và các mầm bệnh nguy hiểm khác trên động vật cũng được triển khai hết sức khẩn trương, nghiêm túc quyết liệt và đồng bộ các giải pháp. Bởi vậy, hiện cả nước có 10 ổ dịch CGC do chủng vi rút H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm, song tại Quảng Bình hiện nay chưa ghi nhận trường hợp phát sinh ổ dịch CGC.

Tuy nhiên, kết quả lấy mẫu giám sát chủ động năm 2019 cho thấy vi rút cúm A/H5N6 vẫn lưu hành, tồn tại ở các ổ dịch đã từng xảy ra trước đây, trong khi việc tổ chức tiêm vắc xin CGC tại địa phương trong năm 2019 đạt tỷ lệ rất thấp và chưa tiêm phòng đợt 1 năm 2020. Cùng với đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa nên tiềm ẩn nguy cơ bệnh xâm nhập, phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Trước diễn biến phức tạp của dịch CGC trên cả nước, tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và lên các phương án, giải pháp phòng, chống dịch bệnh…

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo PCDBĐV tỉnh đã ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Ban chỉ đạo PCDBĐV tỉnh cũng như các ban, ngành, địa phương trong thời gian qua.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các loại dịch bệnh trên động vật có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh ta. Vì vậy, ban chỉ đạo, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần tăng cường công tác phòng chống, không để dịch bệnh lây lan. UBND các huyện, thành phố, thị xã cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn, người dân tập trung vệ sinh môi trường chuồng trại, tiêu độc khử trùng; kiểm soát việc vận chuyển và giết mổ động vật. Đặc biệt, Sở NN-PTNT đôn đốc các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi tái đàn phù hợp. Sở Y tế nắm tình hình dịch bệnh ở động vật có thể lây sang người để có biện pháp ứng phó. Các cơ quan chức năng khác cần tăng cường kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ động vật hoang dã không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

                                                                             Bùi Thành