icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố xây dựng Trung tâm điều hành Chính phủ điện tử

  • 15:35 | Thứ Tư, 12/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng nay, 12-2, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành và địa phương...
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
 
Năm 2019, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính đã đạt được một số kết quả tích cực. Các hệ thống có ý nghĩa lớn trong triển khai Chính phủ điện tử, như: Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia sau thời gian ngắn triển khai đã có những kết quả đáng khích lệ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. 
 
Đến nay, đã có 9/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông với 95/95 bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền. Đến nay, cả nước đã có 55/63 địa phương thực hiện mô hình Trung tâm hành chính công với tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt trung bình trên 95%. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. 
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn với cải cách hành chính; đẩy mạnh thanh toán điện tử; thực hiện liên thông dữ liệu quốc gia theo mô hình chung của Chính phủ; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Phó Thủ tướng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện triển khai Đô thị thông minh, thành phố thông minh hiệu quả, thiết thực. 
 
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc xây dựng Chính phủ điện tử phải huy động mọi nguồn lực, phải ưu tiên cho nguồn nhân lực, thể chế, công nghệ mới có thể đạt được thành công. Việc cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử phải tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
 
Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Cần phải có lộ trình cụ thể để tiếp tục xây dựng chiến lược về xây dựng Chính phủ điện tử; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý xây dựng Chính phủ điện tử; hoàn thiện các yếu tố nền tảng của Chính phủ điện tử, phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố xây dựng Trung tâm điều hành Chính phủ điện tử, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia cơ bản hoàn thành, thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành; các địa phương, các bộ, ngành phải chống tiêu cực trong xây dựng Chính phủ điện tử; xây dựng Chính phủ điện tử đi liền với giảm biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước. 
 
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông minh; nghiên cứu đề xuất xây dựng Trung tâm giám sát quốc gia về Chính phủ điện tử. Thủ tướng cũng yêu cầu Học viện hành chính Quốc gia đưa nội dung Chính phủ điện tử vào chương trình đào tạo...
Phan Phương