icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Bộ Tư pháp: Tổ chức hội thảo, tập huấn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

  • 15:24 | Thứ Ba, 17/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng 17-9, Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hoá tổ chức hội thảo đề xuất các giải pháp, mô hình phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân tộc thiểu số (DTTS), nhóm yếu thế. Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp chủ trì hội thảo.
 Đồng chí Nguyễn Minh Tâm,Phó Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Bình phát biểu tại hội thảo ngày 17-9-2019.
Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp Quảng Bình phát biểu tại hội thảo.
Tham gia hội thảo, các đại biểu đã có 12 tham luận, kiến nghị, đề xuất chuyên sâu liên quan đến công tác PBGDPL cho người DTTS, nhóm yếu thế.
 
Luật PBGDPL năm 2012 đã xác định 6 nhóm đối tượng đặc thù (trong đó có người DTTS và một số đối tượng yếu thế), đồng thời quy định những nội dung pháp luật thiết thực, liên quan trực tiếp đến đối tượng và các hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; những chính sách PBGDPL cho từng đối tượng.
 
Luật đã xác định "Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ người làm công tác PBGDPL, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các DTTS tham gia PBGDPL tại địa phương; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tình nguyện PBGDPL cho người dân ở vùng DTTS, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân"...
 
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã kiến nghị, đề xuất, nêu ra giải pháp, mô hình PBGDPL cho người DTTS, nhóm yếu thế nhằm hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng này khắc phục thiệt thòi trong tiếp cận pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật...
 
* Trước đó, chiều 16-9, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn đề án "Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015-2020".
 
Tham dự có đại diện lãnh đạo, cán bộ Sở Tư pháp của 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Các đại biểu tham dự tại buổi tập huấn liên quan đến công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và kết quả nội luật hoá vào pháp luật Việt Nam.
Các đại biểu tham dự tập huấn.
Đề án "Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR) và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015-2020" đã được Bộ Tư pháp ban hành tại Quyết định số 521/QĐ-BTP ngày 5-3-2019. 
 
Để thực hiện tốt nội dung kế hoạch nói trên, bên cạnh chỉ đạo, điều hành và biên soạn tài liệu phổ biến trong năm 2019, hội nghị sẽ tập trung vào các nội dung chính, như: nâng cao năng lực phổ biến nội dung cơ bản của Công ước ICCPR, pháp luật có liên quan của Việt Nam cho đội ngũ làm công tác PBGDPL; phổ biến rộng rãi nội dung Công ước ICCPR và pháp luật Việt Nam tới cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thông qua các hình thức, biện pháp hiệu quả, phù hợp; quan tâm tập huấn (kết hợp với thực hiện chương trình, đề án khác) về quyền dân sự, chính trị trong Công ước và trong pháp luật Việt Nam cho phóng viên, biên tập viên báo chí viết về pháp luật, báo cáo viên pháp luật khu vực phía Bắc và phía Nam; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, báo chí.
 
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được đồng chí Đặng Vũ Huân, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp) phổ biến về "Kỹ năng viết bài, tuyên truyền pháp luật về quyền con người và các quyền dân sự, chính trị trên báo chí". Đồng chí Lê Thị Hồng Hải, Phó trưởng Phòng Công pháp quốc tế và Nhân quyền của Bộ Tư pháp giới thiệu nội dung "Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và kết quả nội luật hoá vào pháp luật Việt Nam"...
 
Văn Minh