.

Nâng cao công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

.
14:26, Thứ Năm, 20/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Sáng 20-6, tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2018 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
 
Cùng dự có đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan; các tố chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam và hơn 25.000 đại biểu tại các điểm cầu trong cả nước.
Đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan. Hội nghị cũng được tổ chức trực tuyến tại 8 điểm cầu của UBND các huyện, thị xã, thành phố và 2 điểm cầu tại UBND xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch). 
 
Năm 2018, tình hình thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng diễn biến phức tạp cùng với nhiều yếu tố cực đoan với 16/21 hình thái thiên tai. Cụ thể, 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 212 trận dông, lốc xoáy; 15 trận lũ quét; 11 đợt nắng nóng...
 
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, người dân nên công tác PCTT đã được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Thiên tai gây ra trong năm 2018 làm 224 chết và mất tích (giảm 42% so với năm 2017). Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng (giảm 67% so với năm 2017). Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được triển khai nhanh chóng, kịp thời với phương châm “4 tại chỗ".
 
Các bộ, ngành và địa phương đã có chuyển biến về nhận thức và bước đầu quan tâm đến nội dung lồng ghép PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xem đây là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng để phát triển ổn định, bền vững. 
 
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành và địa phương đã tập trung thảo luận và đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm thực hiện tốt công tác PCTT và TKCN năm 2019. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như: tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức về PCTT và TKCN tới mọi tầng lớp nhân dân; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, nhất là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, bất thường, cực đoan để thông báo cho nhân dân chủ động phòng tránh; tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" của các cấp chính quyền và người dân phù hợp với thực tiễn từng địa phương...
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác PCTT và TKCN trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
 
Đồng chí yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Luật Đê điều, Luật PCTT, Luật Thủy lợi và các nghị quyết của Chính phủ về công tác PCTT nhằm nâng cao nhận thức của tầng lớp nhân dân; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT; chủ động xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão sát với tình hình thực tế; tăng cường kiểm tra vi phạm trong lĩnh vực đê điều, thủy lơi, khai thác cát sỏi lòng sông, bãi bồi, quản lý quy hoạch lũ, quy hoạch đất đai... kiểm soát hoạt động kinh tế-xã hội nhằm ngăn chặn gia tăng rủi ro do thiên tai...
 
X.Phú
,