.

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

.
14:36, Thứ Sáu, 10/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 10-5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 18-3-002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể do đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì.

Tham dự có đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Thắng phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thắng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) ở tỉnh Quảng Bình đã có bước chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động, kinh tế tập thể vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Nhiều HTX hoạt động vẫn còn mang tính hình thức, tăng trưởng thiếu ổn định; quy mô nhỏ lẻ, dịch vụ chưa đa dạng. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị hội nghị đánh giá toàn diện quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hiệu quả của tổ chức kinh tế tập thể từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong tình hình mới.

Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cho thấy: cấp ủy chính quyền các cấp đã quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết một các đồng bộ, toàn diện, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân.

Sau 15 năm, số lượng các HTX, tổ hợp tác tăng lên. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 863 tổ hợp tác với 13.000 thành viên và trên 24.800 lao động; có 84 tổ đoàn kết trên biển góp phần hỗ trợ trong sản xuất; có 292 HTX đã hoàn thành chuyển đổi theo luật HTX năm 2012 với gần 120.000 thành viên; 545 trang trại đạt tiêu chí với trên 3.400 lao động.

So với cách đây 15 năm, các HTX, tổ hợp tác, trang trại được phát triển theo hướng tích cực và đa dạng hơn; hình thức tổ chức và phương thức hoạt động phù hợp với đặc điểm của từng ngành nghề, địa phương. Vốn, quỹ của HTX không ngừng tăng lên.

Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh được ban hành như: bố trí ngân sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; cho thuê đất; cơ cấu lại nợ; giảm lãi suất cho vay; hỗ trợ xúc tiến thương mại đã góp phần tạo hành lang pháp lý cho các HTX, tổ hợp tác phát triển. Nhờ vậy, kinh tế tập thể tiếp tục có bước phát triển khá, đóng góp khoảng 4%/ năm vào GRDP của tỉnh; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là vùng nông thôn.

Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và phân tích một số khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiên Nghị quyết, hội nghị đã thảo luận về các giải pháp và định hướng trọng tâm để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Thắng đã ghi nhận những thành tựu quan trọng của kinh tế tập thể 15 năm qua, đồng thời thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí khẳng định, phát triển kinh tế tập thể là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là sự nghiệp hết sức khó khăn đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh phải kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể.

Đồng chí cũng nêu lên năm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng về phát triển kinh tế tập thể; tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về phát triển kinh tế tập thể; kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả, tập trung và thống nhất; lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện ở địa phương để hỗ trợ HTX theo cơ chế, chính sách của Nhà nước và địa phương; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, liên hiệp HTX.

N.Mai

,