.

Thực hiện tốt "5 không" để hạn chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

.
07:54, Thứ Năm, 21/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Chiều 20-3, đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các ngành chức năng đã đi kiểm tra hoạt động của các chốt kiểm dịch trên địa bàn huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch.
Đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thiệt bị tiêu trùng, khử độc tại chốt Tân Ấp, huyện Tuyên Hóa
Đồng chí Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thiết bị tiêu độc, khử trùng tại chốt Tân Ấp, huyện Tuyên Hóa
Nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và lây lan, UBND tỉnh đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1A tại thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch và đường Hồ Chí Minh tại thôn Tân Ấp, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa. 
 
Cả 2 chốt này bao gồm lực lượng liên ngành, hoạt động 24/24 giờ, kể cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ với nhiệm vụ kiểm soát, xử lý những vi phạm về kiểm dịch, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi vào địa bàn tỉnh. 
 
Sau gần 10 ngày đi vào hoạt động, 2 chốt kiểm dịch đã tiến hành kiểm tra trên 174 lượt phương tiện vận chuyển đi qua địa bàn, chủ yếu là từ Bắc vào Nam. Trong đó, có 101 phương tiện chở lợn với gần 21.000 con đã qua kiểm dịch vận chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ.
Rà soát danh sách các phương tiện chở gia súc, gia cầm đi qua chốt kiểm dịch ở thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, Quảng Trạch.
Lực lượng chức năng rà soát danh sách các phương tiện chở gia súc, gia cầm đi qua chốt kiểm dịch ở thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch.
Đi kiểm tra thực tế tại các chốt kiểm dịch, đồng chí Lê Minh Ngân đã thăm hỏi, động viên các cán bộ đang làm nhiệm vụ tại hai chốt. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp, tổ chức canh trực, không lơ là, chủ quan nhằm bảo đảm tất cả các loại phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông qua địa bàn tỉnh đều được kiểm tra, kiểm soát và tiến hành các bước tiêu độc, khử trùng đúng quy định. 
 
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát khâu tiêu thụ, thực hiện tốt "5 không" để hạn chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, đó là: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt hạn chế dịch lây lan. 
 
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị phương án dự phòng trường hợp phát hiện lợn nhiễm bệnh để xử lý sớm, khống chế trong phạm vi hẹp; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền người dân để bảo đảm hoạt động chăn nuôi, buôn bán gia súc trên địa bàn...
 
X.Phú
 
,