.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 7 tỉnh, thành phố trong cả nước

.
08:15, Thứ Ba, 05/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Sáng 4-3, Bộ Nông nghiệp-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ; Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT đồng chủ trì.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

Đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng; không gây bệnh cho các loài động vật khác, lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%; không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Hiện nay, trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh.

Về tình hình bệnh DTLCP trên thế giới, tính từ năm 2017 đến ngày 3-3-2019, đã có 20 quốc gia báo cáo về bệnh DTLCP. Tại Trung Quốc, từ ngày 3-8-2018 đến 3-3-2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 110 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh.

Tại Việt Nam, từ ngày 1-2 đến 3-3-2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Để phòng, chống dịch bệnh, từ tháng 8-2018, khi nguy cơ bệnh DTLCP có khả năng lây lan, xâm nhiễm vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, phòng chống dịch bệnh.

Ngoài các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm soát, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ… sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; tăng cường năng lực chuyên môn thú y, chẩn đoán xét nghiệm bệnh DTLCP; chỉ đạo, hướng dẫn người dân chăn nuôi tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt…

Tại Quảng Bình, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện có DTLCP. Để phòng, chống DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn, UBND tỉnh đã ra chỉ thị về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, cần tập trung đồng bộ các giải pháp từ Trung ương đến địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các bộ, ngành liên quan lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc phòng, chống dịch; các địa phương nêu cao vai trò, trách nhiệm, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch.

Tất cả các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 04 của Chính phủ ngày 20-2-2019 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP; sẵn sàng dập dịch ở những vùng có dịch; nghiêm cấm vận chuyển các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, nghi có nguy cơ nhiễm bệnh; sử dụng ngay kinh phí dự phòng để hỗ trợ người dân trong công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vấn đề của bệnh DTLCP nhằm vào cuộc, chủ động phòng, chống dịch…

Lê Mai

 

,