.

Hưởng ứng chương trình sức khỏe Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động

.
15:39, Thứ Tư, 27/02/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 64 năm ngày thầy thuốc Việt Nam, sáng 27-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động chương trình sức khỏe Việt Nam.

Đây là hoạt động do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục-Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp tổ chức và được kết nối trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã trên cả nước. Tham dự tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chúc mừng ngành Y tế Việt Nam và cho rằng đây cũng là dịp để tôn vinh, tri ân những người được giao trọng trách chăm sóc bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
 
Thủ tướng nhấn mạnh, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân cũng như của toàn xã hội. Sinh thời Chủ tịch Hồ CHí Minh từng nói “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì nước thịnh”.
 
Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và nhiều tổ chức quốc tế khác, các chỉ số về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam như tuổi thọ, tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh tật… cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Một số chỉ số đạt mức các nước phát triển có thu nhập khá.
 
Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều khó khăn hạn chế trong việc nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Đó là, mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường sống; các yếu tố về hành vi lối sống đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh hô hấp mãn tính (chiếm tới hơn 70% số tử vong hàng năm).
 
Trong khi đó, việc phòng chống các yếu tố gây bệnh và phát hiện sớm, quản lý, chăm sóc người bệnh ở tuyến y tế cơ sở vẫn chưa được chú trọng. Mặc dù, người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nhưng trung bình một người dân có khoảng 10 năm phải sống với bệnh tật, vì thế làm giảm rất nhiều đến chất lượng cuộc sống...
Để thực hiện chương trình sức khỏe Việt Nam, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, phải nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Muốn giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thì phải đồng thời thực hiện tốt cả 3 yêu cầu cốt lõi là vệ sinh phòng bệnh, ăn uống điều độ, bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên. 
 
Lễ phát động nhằm cụ thể hóa Quyết định số 1092 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình sức khỏe Việt Nam, được ban hành tháng 9-2018. Mục tiêu của chương trình là bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân. Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng
 
Sau lễ phát động, ngành Y tế Quảng Bình đã tổ chức đo huyết áp, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm nhanh đường máu, kiểm tra, tư vấn sức khỏe, hướng dẫn tập thể dục để tăng cường vận động thể lực cho các đại biểu tham dự chương trình và những người dân có nhu cầu. Ngành Y tế và các ngành Văn hóa-Thể thao, Giáo dục-Đào tạo cùng các ngành liên quan sẽ xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm cụ thể hóa các nội dung của chương trình sức khỏe Việt Nam.
 
Nh.V
 
,