.

Chủ động huy động nhiều nguồn lực hơn nữa để giảm nghèo bền vững

.
09:41, Thứ Năm, 18/10/2018 (GMT+7)

Tối 17-10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2018.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu và phát động nhắn tin ủng hộ người nghèo. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu và phát động nhắn tin ủng hộ người nghèo. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Đây là sự kiện thường niên diễn ra vào đúng ngày 17-10 - Ngày quốc tế chống đói nghèo và Ngày vì người nghèo Việt Nam.

Tới dự chương trình có các Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng tham dự có Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể tại Trung ương và địa phương.

Hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau," Chương trình nhằm ghi nhận, động viên, tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhất là doanh nghiệp, doanh nhân, người Việt Nam ở nước ngoài đã, đang và sẽ tiếp tục ủng hộ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đột xuất, cộng đồng (khu dân cư, xã, huyện) nghèo, thông qua Quỹ "Vì người nghèo" và Chương trình an sinh xã hội.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngay từ khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đề ra nhiệm vụ giải quyết nạn đói là ưu tiên hàng đầu trong 6 nhiệm vụ Chính phủ phải giải quyết. Từ đó đến nay, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững và đã trở thành một chủ trương lớn, một chương trình của quốc gia, giàu tính nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để quyết tâm thực hiện. Đó còn là một trong những Mục tiêu Thiên niên kỷ, Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

"Chúng ta rất vui mừng trước những kết quả to lớn mà công tác giảm nghèo đã đạt được. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm nhanh, xuống còn 6,7%, tỷ lệ tái nghèo thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước" - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, việc ban hành chính sách, pháp luật, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, còn có sự chung tay, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở các địa bàn khó khăn.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế tích cực tham gia các chương trình nhân ái, ủng hộ người nghèo thông qua Quỹ "Vì người nghèo" hàng chục nghìn tỷ đồng, xây dựng hàng nghìn ngôi nhà "Đại đoàn kết," giúp hàng trăm nghìn người nghèo về y tế, giáo dục, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia với nguồn lực lớn, hình thức hỗ trợ đa dạng, thiết thực. Đây là những nghĩa cử cao đẹp làm lay động lòng người, góp phần cải thiện đời sống cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng vẫn chưa thể hài lòng khi cả nước vẫn còn 2,9 triệu hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Vì vậy, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi phải có cách làm chủ động, sáng tạo và huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa.

Với tinh thần tiếp tục hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo", nhân Ngày quốc tế chống đói nghèo và Ngày vì người nghèo Việt Nam (17-10), thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi và mong các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có hành động thiết thực, đóng góp to lớn hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Quốc hội mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các quốc gia, các đối tác, các tổ chức quốc tế cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và giảm nghèo bền vững nói riêng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Kỷ niệm chương; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhận ủng hộ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp giúp đỡ người nghèo. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Kỷ niệm chương; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhận ủng hộ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp giúp đỡ người nghèo. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Thông qua các phóng sự và giao lưu trực tiếp, khán giả được gặp gỡ cậu bé mồ côi Hồ Minh Hiếu, lớp 5C, Trường Tiểu học Nguyễn Thành, Quảng Nam, đã tự lập từ nhỏ, nuôi lợn để được đến trường; cậu sinh viên Dương Hữu Phúc, quê Lạng Sơn, dù bị cụt hai tay nhưng vẫn trúng tuyển khoa Kiến trúc Đại học Công nghệ - Kinh doanh Hà Nội; lắng nghe câu chuyện của gia đình ông Ngân Văn Yếu cũng như nhiều người dân tộc Thái ở bản Poong, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, đã mất trắng tài sản, mất người thân trong trận lũ quét lịch sử vừa qua...

Tại đây, các chương trình ứng dụng "Cứu trợ từ thiện" và "Người bạn tốt" của các tác giả: Phan Bá Mạnh, nhà sáng lập kiêm CEO ứng dụng khớp lệnh trao đổi hàng hóa – dịch vụ trên Internet Dobody và Hoàng Đức Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Wakeitup, cũng đã được giới thiệu tới khán giả. Đây là các ứng dụng góp phần hỗ trợ các nhóm, tổ chức, cá nhân có thể phối hợp với nhau để công tác thiện nguyện có ý nghĩa, hiệu quả hơn...

Phát động toàn quốc Tháng hành động cao điểm "Vì người nghèo" từ ngày 17-10 đến 18-11-2018, thay mặt Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn kêu gọi các cấp, các ngành, đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tập đoàn, doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm, tổ chức quốc tế ở Việt Nam hãy tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ người nghèo với tinh thần "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau."

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng mong muốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, người nghèo bằng nỗ lực của bản thân, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng, hãy quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cùng nhắn tin đến Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1409 để quyên góp ủng hộ người nghèo.

Từ tháng 10-2017 đến tháng 10-2018, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ hơn 2.945 tỷ đồng qua Quỹ "Vì người nghèo" các cấp và Chương trình an sinh xã hội. Từ những nguồn lực trên, cùng với ngân sách nhà nước, các cấp, các ngành đã kịp thời hỗ trợ người nghèo, xây dựng mới, sửa chữa được hơn 28.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn; hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về vốn, tư liệu sản xuất, hàng trăm công trình dân sinh (trường học, trạm xá, cầu dân sinh, đường giao thông nông thôn...). Hàng triệu người nghèo được giúp đỡ nhân dịp Tết Nguyên đán, được hỗ trợ cho con đi học, chữa bệnh khi ốm đau nằm viện dài ngày, cứu đói khi cần thiết...

Theo tổng hợp bước đầu của Ban Tổ chức, tại chương trình đã có hơn 100 đơn vị đăng ký ủng hộ hơn 857 tỷ đồng thông qua Chương trình an sinh xã hội và Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương. Một số địa phương đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ người nghèo trong tháng cao điểm vì người nghèo là: thành phố Hà Nội: 77 tỷ đồng; Thành phố Hồ Chí Minh: 38 tỷ đồng; tỉnh Bắc Giang: 47 tỷ đồng; tỉnh Bắc Ninh: 11 tỷ đồng; tỉnh Quảng Bình: 21 tỷ đồng, tỉnh Thái Nguyên: 6,8 tỷ đồng... đồng thời, đã có hơn 2.000 tin nhắn qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1409 với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.

Nguồn lực vận động được đợt này sẽ tập trung hỗ trợ cho người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn và ưu tiên những vấn đề thiết yếu như nhà ở cho người nghèo, nhất là người nghèo vùng bị bão lũ; áo ấm cho người già, trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo từng bước ổn định cuộc sống.

Theo Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

,