.

Công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã chuyển biến tích cực

.
17:09, Thứ Ba, 28/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Sáng 28-8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg.

Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan.

Tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Quang Hiếu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc NHNN-Chi nhánh Quảng Bình và lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Quang cảnh đầu cầu trực tuyến tại Quảng Bình
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Qua báo cáo tại hội nghị, tính đến ngày 30-6, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).

Theo đánh giá của NHNN, tuy thời gian chưa dài nhưng có thể khẳng định với sự lãnh đạo trực tiếp, sát sao của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và địa phương, sự chỉ đạo toàn diện và quyết liệt của NHNN, sự vào cuộc nghiêm túc và trách nhiệm của các TCTD, 2 văn bản quy phạm trên đã đi vào cuộc sống.

Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD, thể hiện định hướng chính sách đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và của cả xã hội nói chung.

Trên cơ sở Nghị quyết số 42, Quyết định số 1058 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các Tổ chức tín dụng, đến nay, hầu hết các phương án cơ cấu lại của các TCTD đã được NHNN phê duyệt; kết quả cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Đó là, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; năng lực quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD từng bước được cải thiện; chất lượng tín dụng được nâng cao cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD; công tác thanh tra, giám sát được tăng cường đã góp phần ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 1058...

Hiền Phương

 

 

,