.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

.
13:55, Thứ Sáu, 06/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Ngày 6-7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”. Đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp và các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) đã trình bày một số nội dung cơ bản của đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” và quy chế phối hợp liên ngành về giám định tư pháp.
 
Theo đó, sau 5 năm thực hiện đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, đa số các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp đã được tổ chức thực hiện có kết quả thiết thực.
 
Tuy nhiên một số nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện trong nhiều năm tiếp theo để phát huy hiệu quả của đề án trên thực tế. Ngày 28-2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 250/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (Đề án 250).
 
Đề án 250 đã xác định rõ 7 mục tiêu cụ thể cần đạt được trong công tác giám định tư pháp, đó là: hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp tạo cơ sở pháp lý, đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp với tình hình mới; hoàn thiện hệ thống tổ chức pháp y tâm thần theo hướng chú trọng yếu tố trọng điểm, khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng; đào tạo nguồn nhân lực pháp y; đầu tư cơ sở vật chất; nghiên cứu, kiến nghị cơ chế phù hợp để tổ chức thực hiện giám định theo yêu cầu của hoạt động tố tụng trong các lĩnh vực không có tổ chức giám định tư pháp công lập chuyên trách; kiến nghị chính sách ưu đãi; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước…
 
Ngoài ra, Đề án 250 cũng đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: tiếp tục hoàn thiện chế định giám định tư pháp; hoàn thiện tổ chức giám định tư pháp, nâng cao chất lượng người giám định tư pháp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giám định tư pháp...
 
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương đã tập trung thảo luận về một số giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”…
 
Ngọc Hải
 
 
 
 
 
,