icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Olympic Tokyo: Nói không với quan điểm chính trị

  • 09:18 | Thứ Bảy, 24/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Những hành động như việc quỳ gối trước các trận bóng đá sẽ khó hiện diện ở Olympic Tokyo. Ban tổ chức đã khẳng định không cho phép những hành động, cử chỉ thể hiện thái độ chính trị xuất hiện ở kỳ Thế vận hội này.
 
Đó là kết quả sau 11 tháng xem xét, cân nhắc. Hôm thứ Tư vừa qua, ban tổ chức Thế vận hội Tokyo đã khẳng định sẽ giữ nguyên quy định cấm các vận động viên thể hiện quan điểm chính trị từ sân thi đấu đến bục nhận huy chương.
 
Tranh cãi về điều luật 50
 
Thật ra chuyện các VĐV bị cấm biểu lộ bất cứ quan điểm cá nhân nào, chẳng hạn vấn đề về chính trị hay nhân quyền ở các kỳ Thế vận hội mùa hè lẫn mùa đông đã được yêu cầu từ lâu. Có điều, Luật 50 trong điều lệ Thế vận hội đã gây tranh cãi trong những năm gần đây khi một vài VĐV đã vận dụng để thu hút sự chú ý đến những vấn đề ngoài chuyên môn.
 
Cụ thể, các VĐV Mỹ từng thể hiện thông điệp của mình trong thời điểm quốc ca vang lên, tạo ra những tranh cãi trong nhiều năm qua. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) từng tranh cãi kịch liệt với Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ về vấn đề giới hạn để các VĐV được phép thể hiện quan điểm của mình. Năm ngoái, Ủy ban Olympic Mỹ khẳng định họ không trừng phạt bất cứ VĐV xứ cờ hoa nào thể hiện thông điệp về nhân quyền trong một kỳ Thế vận hội và yêu cầu IOC xem xét lại điều luật 50.
 
Giải thích cho quyết định cấm các hành vi, phát ngôn mang thông điệp chính trị, bà Kirsty Coventry, thành viên Hội đồng Ủy ban Olympic quốc tế, cho biết một khảo sát với các VĐV Olympic trên phạm vi toàn thế giới đã cho kết quả phần đa trong số họ phản đối việc biểu tình hoặc thể hiện thông điệp chính trị.
 
Cụ thể, 70% số VĐV được khảo sát cho hay việc thể hiện quan điểm cá nhân trên sân đấu hoặc trong buổi lễ chính thức là không phù hợp. 67% trong số này khẳng định việc thể hiện quan điểm cá nhân không thích hợp cho cả thời điểm trao huy chương. Theo bà Coventry, chừng đó dữ liệu đủ để đưa ra khuyến cáo cần phải bảo vệ các sự kiện thi đấu, những buổi lễ chính thức cũng như trao huy chương tránh xa bất cứ cuộc biểu tình, quan điểm chính trị hay bất cứ hành động tương tự nào khác.
 Hình ảnh quỳ gối ủng hộ Black Lives Matter sẽ bị cấm ở Tokyo 2020
Hình ảnh quỳ gối ủng hộ Black Lives Matter sẽ bị cấm ở Tokyo 2020
Hình phạt ra sao?
 
Vẫn chưa rõ liệu các VĐV vi phạm điều luật này sẽ phải đối mặt với hình phạt ra sao. Thay vì đưa ra một hình phạt chung, khuyến cáo của hội đồng kêu gọi Hội đồng pháp lý của IOC làm rõ cách thức xử lý vào một thời điểm phù hợp.
 
Bà Coventry cho biết thêm: “Tôi không phải luật sư, thế nên nói về hình phạt không hoàn toàn phù hợp chút nào”. Thật ra chuyện biểu tình khi các VĐV tranh tài hay lên bục nhận huy chương đã xảy ra không ít lần, tiêu biểu nhất là những cuộc biểu tình khi hai VĐV điền kinh John Carlos và Tommie Smith tranh tài ở Thế vận hội 1968. Thông thường, IOC sẽ để cho Ủy ban Olympic các nước tự quyết định hình phạt dành cho các VĐV không tuân thủ luật. Đó là một kẽ hở dễ thấy khi Ủy ban Olympic Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái tuyên bố sẽ không trừng phạt bất cứ VĐV nào của nước mình bày tỏ thái độ về nhân quyền như đã nói ở trên.
 
Chủ tịch IOC Thomas Bach từ lâu đã ủng hộ điều luật 50 và tỏ ra lo ngại các VĐV sẽ sử dụng các cuộc tranh tài ở Thế vận hội làm công cụ để đưa ra những quan điểm cá nhân cũng như tìm cách gây xáo trộn sự tập trung của những người theo dõi các môn thể thao. Còn bà Coventry, vốn từng là kình ngư Thế vận hội người Zimbabwe, ủng hộ tuyệt đối việc hội đồng đưa ra khuyến cáo và bác bỏ việc cho phép thể hiện quan điểm chính trị ở Thế vận hội năm nay: “Các sân thi đấu, buổi lễ và bục nhận giải có chức năng rõ ràng và là nơi đánh dấu kỷ niệm khó quên. Thế nên tôi không muốn thấy có bất cứ điều gì gây mất tập trung cho các cuộc tranh tài. Đó là điều tôi cảm nhận ở thời điểm hiện tại”.
 
Cuộc khảo sát của hội đồng IOC đã thu hút hơn 3.500 VĐV đại diện cho 185 Ủy ban Olympic các quốc gia. Theo cuộc khảo sát ấy, các VĐV tin rằng kênh thích hợp nhất để biểu đạt quan điểm cá nhân là trên các phương tiện truyền thông (42%), sau đó là đến các buổi họp báo (38%) rồi tới các khu vực được báo chí phỏng vấn (36%). Tất nhiên, yếu tố chủ quan cũng được thể hiện rõ khi đa số các VĐV Trung Quốc, Nga, Nam Phi khẳng định việc biểu lộ thông điệp cá nhân trên bục nhận giải là không phù hợp. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ các VĐV khẳng định không nên đưa ra thông điệp chính trị trên bục nhận giải của Mỹ, Hàn Quốc và Canada là thấp nhất.
 
IOC đã phê chuẩn những khuyến cáo từ hội đồng VĐV liên quan đến điều luật 50 bao gồm: Thi hành theo lời tuyên thệ chính thức của Olympic nhấn mạnh sự tôn trọng và chống phân biệt chủng tộc, hợp tác với những thông điệp ở làng VĐV Olympic thể hiện tinh thần đoàn kết, tôn trọng và bình đẳng, làm rõ lại điều luật 50 và cung cấp cho các VĐV.
 
Theo TTXVN