icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Olympic Tokyo: Hy vọng mịt mờ

  • 08:00 | Thứ Sáu, 22/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Các nhà tổ chức đã hoãn Thế vận hội Olympic một năm vào tháng 3 năm ngoái. Gần một năm sau, triển vọng để Olympic diễn ra ngày càng ảm đạm.
 
Các kế hoạch cho Olympic Tokyo bị hoãn đang ngày càng trở nên không chắc chắn. Lí do là khi các trường hợp nhiễm Covid-19 gia tăng khắp Nhật Bản và ở một số quốc gia lớn ở châu Âu và châu Mỹ, các quan chức ở Tokyo và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) bắt đầu hiểu rằng, việc tổ chức một Thế vận hội an toàn có thể là không thể, gây nguy hiểm cho những giấc mơ rằng Thế vận hội có thể như một lễ kỉ niệm toàn cầu về sự kết thúc của đại dịch.
 
Nỗi lo hiện hữu
 
Thay vào đó, IOC có thể buộc phải hủy bỏ Thế vận hội lần đầu tiên kể từ Thế chiến II. Đó sẽ là một cú giáng tài chính lớn đối với cả tổ chức Olympic và Nhật Bản, quốc gia đã chi hơn 12 tỷ USD để xây dựng sân vận động và cải thiện cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho Thế vận hội, và hàng tỷ USD nữa để trì hoãn sự kiện này một năm.
 
Trong nhiều tuần qua, các quan chức Nhật Bản và Olympic đều khẳng định rằng Thế vận hội sẽ tiếp tục diễn ra và việc trì hoãn thêm là không thể. Các nhà tổ chức đã cố gắng đưa ra các kế hoạch tổ chức Thế vận hội theo cách mà công chúng Nhật Bản chấp nhận được, đồng thời công bố một loạt các biện pháp an toàn.
 
Thế nhưng, các cuộc thăm dò cho thấy sự thận trọng ngày càng tăng. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 1 này, đài truyền hình Nhật Bản NHK thấy rằng, gần 80% số người được hỏi tin rằng Thế vận hội nên bị hoãn lại hoặc hủy bỏ hoàn toàn. Để so sánh, tháng 10-2020, chưa đến một nửa số người được hỏi nói như vậy và đến tháng 12, con số này tăng lên 71%.
 
Tới thứ Sáu tuần trước, Taro Kono, một thành viên trong nội các Nhật Bản, đã phá vỡ quan điểm chính thức của chính phủ, thông báo rằng, Thế vận hội “có thể đi theo một trong hai cách”. Điều đáng nói là tuyên bố của ông Kono được nối tiếp bởi những bình luận tương tự trong tuần này của Dick Pound, thành viên người Canada có thâm niên làm việc ở IOC lâu nhất, rằng "không có gì đảm bảo" rằng Thế vận hội sẽ diễn ra.
 Khả năng Olympic Tokyo bị hủy là hoàn toàn có thể xảy ra
Khả năng Olympic Tokyo bị hủy là hoàn toàn có thể xảy ra
Như đã biết thì tháng 3-2020, các nhà tổ chức ở Tokyo và tại IOC đã đồng ý hoãn Thế vận hội dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7 và tháng 8 năm ngoái trong một năm. Hiện nay, lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè đã được lên kế hoạch vào ngày 23-7 tới. Theo Thomas Bach, Chủ tịch IOC, việc hoãn Thế vận hội một lần nữa không phải là một lựa chọn, và rằng, nếu không thể diễn ra vào mùa hè này, nó sẽ bị hủy. Toshiro Muto, giám đốc điều hành của Ban tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo, đã khẳng định lại quan điểm đó trong tuần này. Nếu vậy, tất cả chỉ có thể trông chờ vào Thế vận hội mùa hè 2024 tại Paris và Thế vận hội mùa hè 2028 tại Los Angeles.
 
Một chút hi vọng
 
Thực ra, hi vọng Olympic Tokyo diễn ra cũng đã tăng lên khi một số sự kiện thể thao lớn được tổ chức trên khắp thế giới mà không gặp vấn đề lớn, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn nhiều và có ít hoặc không có người hâm mộ tham dự. Cũng vì thế, Nhật Bản vẫn đang quyết tâm đẩy mạnh việc chuẩn bị, trong khi Yoshiro Mori, chủ tịch ủy ban tổ chức Tokyo, cố gắng trấn an bằng bài phát biểu hôm thứ Ba vừa qua. “Mùa xuân chắc chắn sẽ đến,” ông nói. “Sau một đêm dài, nhất định sẽ có một buổi sáng. Với niềm tin đó, tôi sẽ làm việc chăm chỉ đến cùng để có thể đem lại niềm vui và hi vọng cho nhiều người”.
 
Điều đó cũng được ông Bach chia sẻ trong bài phát biểu vào năm mới, khi ông xem Olympic Tokyo là “ánh sáng cuối đường hầm” của đại dịch. Ông ca ngợi sự phát triển nhanh chóng của vaccine và hi vọng Thế vận hội có thể diễn ra an toàn.
 
Có điều, việc triển khai tiêm vaccine đã chậm hơn so với dự kiến ​​và phần lớn nhân loại sẽ vẫn chưa được chủng ngừa vào mùa hè này. Và Nhật Bản chưa có kế hoạch tiêm chủng cho công dân của mình cho đến cuối tháng 2, một quá trình sẽ mất hàng tháng.
 
Hiện vẫn chưa rõ liệu các nhà tổ chức có cho phép khán giả tham dự Thế vận hội hay di chuyển từ bên ngoài Nhật Bản để tham dự Thế vận hội hay không. Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm đi lại đối với tất cả du khách quốc tế, dự kiến ​​kết thúc vào ngày 7-2 tới, nhưng nó có thể được gia hạn. Các vận động viên xuất sắc cũng không còn được miễn trừ nữa.
Tuy nhiên, tổ chức Thế vận hội là ưu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, người vào tháng 9 đã thay thế ông Shinzo Abe, cựu thủ tướng quyết tâm đưa Thế vận hội trở lại Tokyo lần đầu tiên kể từ năm 1964.
 
Khi mối quan tâm về việc tổ chức Thế vận hội ngày càng tăng, các quan chức bắt đầu lập ra các kế hoạch để giải quyết nguy cơ có quá nhiều du khách đến một quốc gia đang trải qua sự lây lan nhanh chóng nhất của virus corona kể từ đầu đại dịch. Trong khi Nhật Bản, quốc gia có hơn 125 triệu dân, chỉ ghi nhận hơn 300.000 trường hợp mắc và 4.200 trường hợp tử vong - ít hơn nhiều so với nhiều nước phương Tây - thì những ngày gần đây, nước này lại có số người nhiễm và số người chết kỉ lục.
 
Seiko Hashimoto, Bộ trưởng Thế vận hội Nhật Bản, cho các phóng viên biết rằng, các nhà tổ chức đang kiểm tra “các biện pháp chống lây nhiễm toàn diện, bao gồm kiểm tra cần thiết và quản lý truy vết để chúng tôi có thể tổ chức Thế vận hội an toàn và đảm bảo mà không cần tiêm chủng như là điều kiện tiên quyết”. Vì thế, các quan chức đã đề xuất sàng lọc và kiểm tra du khách khi đến. Các vận động viên có thể phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra và việc di chuyển của họ có thể bị hạn chế. Thậm chí, họ có thể phải rời khỏi Làng Olympic ngay sau khi kết thúc cuộc thi, và có thể bị hạn chế kết hợp với nhiều người khi ở Tokyo.
 
Sốt ruột với kế hoạch thi đấu Olympic
 
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, nói: “Chúng tôi rất lo lắng và sốt ruột vì theo dự kiến đến tháng 7 đã khai mạc Olympic nhưng đến thời điểm này Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vẫn chưa đưa ra những phương án cụ thể để giúp các nước có được kế hoạch chuẩn bị. Giải pháp như thế nào, IOC cũng chưa có thông tin cụ thể. Nếu các đoàn phải cách ly 14 ngày khi vào Nhật Bản thì còn thi đấu thế nào được nữa.
 
Thể thao Việt Nam hiện đã có 5 VĐV của 4 môn thể thao vượt qua vòng loại và giành quyền dự Olympic gồm Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung), Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Nguyễn Văn Đương (quyền anh). Mục tiêu của Việt Nam là giành khoảng 20 vé dự Olympic nhưng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, các cuộc thi đấu vòng loại vẫn chưa biết khi nào khởi động trở lại. Đó cũng là một khó khăn rất lớn”.
 
Theo Mạnh Hào (TTXVN)