icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Khát vọng của người đàn ông khuyết tật bên dòng Kiến Giang

  • 08:34 | Thứ Tư, 02/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quyết tâm vượt lên chính mình với tinh thần “tàn nhưng không phế”, vận động viên khuyết tật Hoàng Tấn Phú, ở tổ dân phố 3 Thượng Giang, thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) luôn nỗ lực tập luyện và thi đấu để giành thành tích cao nhất. Từ năm 2002 đến nay, anh đã giành được hàng chục tấm huy chương các loại tại các giải thể thao người khuyết tật toàn quốc và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games).
 
Nghị lực vượt lên hoàn cảnh
 
Hoàng Tấn Phú sinh ra và lớn lên bên bờ sông Kiến Giang. Năm 6 tuổi, anh đã biết bơi. Rồi những ngày tháng gắn bó trên sông nước đã giúp Phú tôi luyện thêm kỹ năng bơi lội của mình. Vào một ngày giữa năm 1996, trong lúc đi làm thuê, anh Phú không may bị tai nạn lao động, khi đó anh mới 24 tuổi.
 
Vụ tai nạn đó đã khiến chân phải của Phú dập nát xương ống. Chẩn đoán, chụp phim ở bệnh viện, các bác sỹ và gia đình thống nhất đành phải tháo khớp chân đầu gối của anh.
 
Nằm trên giường bệnh, nước mắt Phú chảy dài, cứ nghĩ đến cảnh vợ dại con thơ không biết nương tựa vào đâu khi người đàn ông trụ cột của gia đình bị tàn phế. Rồi anh lại chán nản, suy tư không biết làm chi để kiếm sống nuôi bản thân. Hai năm ròng nằm trên giường, quẩn quanh trong căn phòng, khiến tâm tính của anh Phú thay đổi theo hướng tiêu cực. 
     Vợ chồng VĐV Hoàng Tấn Phú luôn yêu thương nhau, vượt qua khó khăn.
Vợ chồng VĐV Hoàng Tấn Phú luôn yêu thương nhau, vượt qua khó khăn.
Nếu như không có sự đảm đang, chịu thương chịu khó của chị Võ Thị Tuyết, vợ anh, chắc có lẽ anh không thể gượng dậy được. Để chồng không suy nghĩ tiêu cực, chị Tuyết luôn động viên anh, kể những tấm gương không may bị tàn tật nhưng vượt lên hoàn cảnh để trở thành người có ích...
 
Mưa dầm thấm lâu, dần dần suy nghĩ của anh thay đổi tích cực hơn. Đêm vắt tay qua trán, Phú tự dặn lòng: “Mình còn đôi mắt, còn đôi tay thì không để cho vợ con đói khổ được”. Rồi anh bắt đầu men theo bờ tường tập tễnh đi lại. Khi được bạn bè mách bảo, hai vợ chồng anh đã vượt quãng đường hơn 200km để làm chân giả gắn vào cái chân phải bị cụt.
 
Những ngày đầu chưa quen, việc đi lại bằng chân giả của anh Phú rất khó khăn và đau nhức. Và rồi, lòng kiên trì đã thôi thúc anh Phú chăm chỉ tập đi lại và tìm thấy niềm vui từ công việc bán hàng quán của gia đình.
 
Tự tin trên đường đua xanh
 
Nếu như năm 1996 là “định mệnh” thì năm 2002 là “bước ngoặt” của Hoàng Tấn Phú. Nguyễn Văn Sơn, một người bạn của anh, lúc đó đang là cán bộ của Sở Thể dục-Thể thao tỉnh về Lệ Thủy tìm kiếm vận động viên khuyết tật có năng khiếu bơi lội để tham gia giải toàn quốc.
 
Biết Phú là người có năng khiếu bơi lội nên anh Sơn đã động viên bạn tham gia. Lúc đầu, anh Phú cũng ái ngại lắm, nhưng sau đó, anh đã nhận lời bởi niềm tin vượt lên chính mình, bởi khát vọng của một người đàn ông.
 
Anh Phú chia sẻ: “Nhận lời với Sơn, tôi cũng lo lắng lắm bởi khi tập bơi trở lại không biết thế nào. Khi đeo chân giả vào để tập bơi thì người bị chìm vì không cân đối trọng lực. Tôi đành quay lên bờ nhờ vợ tháo giúp cái chân giả xem bơi có được không. Nhưng vì cái chân phải đã bị cụt nên bơi cũng rất khó."
 
Sau đó, để bơi bằng một chân, anh phải kiên trì, chăm chỉ tập luyện hàng ngày. Phú giao công việc hàng quán lại cho vợ để sáng sớm và chiều muộn, một mình anh có mặt trên sông Kiến Giang tập bơi thăng bằng. Sau những buổi tập bơi một chân, cơ thể Phú mỏi rã rời nhưng với khát vọng vượt lên hoàn cảnh, anh tiếp tục tập luyện...
 
Không phụ sự tin tưởng của bạn và gia đình, năm 2002, tại giải bơi lội người khuyết tật toàn quốc, Hoàng Tấn Phú đã giành được 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng ở các nội dung 50m bơi bướm, bơi tự do, bơi tiếp sức.
 
Với thành tích giành được, Hoàng Tấn Phú đã được Ban huấn luyện đội tuyển bơi lội người khuyết tật Việt Nam tuyển chọn tham gia thi đấu tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 2 (ASEAN Para Games 2) tổ chức tại Việt Nam. Hoàng Tấn Phú nhớ lại: “Lúc này, niềm vui như nhân lên gấp bội đối với tôi, bởi khát vọng vượt lên chính mình đã đến đích". Thi đấu trên đường đua xanh tại Para Games 2, VĐV bơi lội Hoàng Tấn Phú đã giành được 1 huy chương bạc và 3 huy chương đồng ở các nội dung bơi 100m tự do, 400m tự do, bơi ngửa và bơi tiếp sức.
 
Kể từ năm 2002 đến nay, cứ mỗi lần diễn ra giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, Hoàng Tấn Phú đều có mặt trong đội tuyển khuyết tật tỉnh Quảng Bình tham gia tranh tài. Tính đến nay, VĐV Hoàng Tấn Phú đã giành được hơn 35 tấm huy chương các loại ở môn bơi lội, điền kinh.
 
Tại bể bơi bên bờ sông Kiến Giang, Hoàng Tấn Phú đang ra sức tập luyện để chuẩn bị tham gia Giải vô địch bơi lội người khuyết tật toàn quốc năm 2020. Và mục tiêu xa hơn của người đàn ông khuyết tật này là có thể tham gia ASEAN Para Games 11 năm 2021 diễn ra tại Việt Nam.
 
Với nghị lực và khát vọng vượt lên chính mình, VĐV khuyết tật Hoàng Tấn Phú không chỉ giành được những tấm huy chương trên đường đua xanh mà anh còn tìm được niềm vui, sự đam mê của mình trong cuộc sống.
 
Tân Bình