Tháng 11-mùa cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết và tiêm vắc xin Covid-19

  • 14:46 | Thứ Hai, 07/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước tình hình sốt xuất huyết (SXH) Dengue vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Covid-19 biến hóa khôn lường với nhiều biến chủng mới… phóng viên Báo Quảng Bình có cuộc trao đổi nhanh với bác sĩ CKII Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về công tác phòng, chống SXH và tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại địa phương.
 
PV: Bác sĩ đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh ta?
 
- Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp: Nhìn chung, trong 10 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh đa số giảm, riêng bệnh SXH Dengue và Covid-19 tăng mạnh. Các bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt. Bệnh mới nổi, tái nổi, như: Cúm AH5N1, H7N9, MerS-CoV, đậu mùa khỉ; các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A, như: Tả, nhiễm não mô cầu, dịch hạch… chưa ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh. 
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giám sát véctơ SXH tại xã An Thủy (Lệ Thủy).
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giám sát véc-tơ SXH tại xã An Thủy (Lệ Thủy).
Đối với dịch bệnh SXH Dengue, tính đến ngày 7/11/2022, toàn tỉnh đã có 6.508 ca mắc tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố, tỷ lệ mắc tăng gấp 32 lần so với cùng kỳ năm 2021. Số ca mắc SXH cao nhất ở huyện Lệ Thủy và Bố Trạch, Quảng Ninh. Đặc biệt, đã ghi nhận 1 ca tử vong do SXH Dengue là trẻ em  tại xã Lương Ninh (Quảng Ninh). Trung bình mỗi ngày toàn tỉnh ghi nhận thêm khoảng 100 ca mắc SXH mới. Với tình hình thời tiết cực đoan như hiện nay, dự báo trong thời gian tới, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục có chiều hướng gia tăng. 
 
Đối với dịch Covid-19, số mắc tăng nhanh trong những tháng đầu năm 2022 và có xu hướng giảm dần từ tháng 5. Đặc biệt, từ đầu tháng 10/2022 đến nay, số ca mắc trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, trong 2 tuần cuối tháng 10 chỉ ghi nhận từ 1-3 ca/ngày (tháng 8 là 70 ca/ngày, tháng 9 là 27 ca/ngày), có một số ngày không ghi nhận ca mắc mới.
 
Tính đến ngày 7/11/2022, Quảng Bình đã ghi nhận 131.912 ca mắc Covid-19 kể từ đầu mùa dịch; tổng số ca tử vong là 82 ca. Tổng số bệnh nhân kết thúc điều trị đến thời điểm hiện tại là: 131.771 người. Số bệnh nhân hiện đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở điều trị Covid-19: 7 người (không có bệnh nhân nặng); số đang điều trị tại nhà là 50 người. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vẫn đang duy trì, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. 
 
PV: Khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là SXH và Covid-19 trên địa bàn tỉnh hiện nay là gì, thưa bác sĩ?
 
- Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp: Trước hết nói về dịch SXH, tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp. Riêng trong tháng 10 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 3.901 trường hợp mắc SXH, chiếm trên 64% tổng bệnh nhân SXH trong 10 tháng của năm 2022; cũng trong tháng 10 đã ghi nhận 1 trường hợp SXH Dengue nặng và tử vong.  
Sáng 7/11, Trung tâm Y tế Bố Trạch tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 500 học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi.
Sáng 7/11, Trung tâm Y tế Bố Trạch tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho hơn 500 học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi.
Có thể nói, thời gian qua, lực lượng y tế cùng với các địa phương đã triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch SXH, khống chế kịp thời không để dịch lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, công cuộc phòng, chống dịch SXH Dengue đã và đang gặp một số khó khăn khách quan lẫn chủ quan: Đó là diễn biến thời tiết phức tạp, mưa nắng thất thường đã tạo môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi phát triển mạnh mẽ.
 
 Việc đấu thầu, mua sắm hóa chất phục vụ chống dịch gặp khó khăn. Các đơn vị y tế không có nguồn hóa chất để phun chủ động diệt muỗi trưởng thành, nên nguồn bệnh vẫn lưu hành và lây lan trong cộng đồng. Cùng đó, đoàn thể một số địa phương và người dân còn có tâm lý chủ quan, chưa chủ động trong làm vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước không sử dụng trong gia đình để diệt loăng quăng(bọ gậy), hạn chế muỗi phát triển và truyền bệnh…
 
Đối với dịch Covid-19, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, số ca mắc mới giảm sâu, đầu tháng 11 này, có 3-4 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới, cuộc sống người dân và mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bình thường trở lại. Nhưng tình hình dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; virus liên tục biến đổi với nhiều biến chủng mới.
 
Trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể trước đã ghi nhận tại nhiều quốc gia. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa (BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, BA.2.12.1, XBB, BQ.1...) có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc-xin cũng như né tránh miễn dịch… nguy cơ dịch bùng phát trở lại luôn hiện hữu.
 
Vì vậy, để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, việc tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là rất cần thiết. Theo Bộ Y tế, tiêm vắc-xin Covid-19 để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong vẫn là chiến lược quan trọng nhất “Vì một Việt Nam vững vàng khỏe mạnh” với thông điệp “Thực hiện 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”.  
Phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành là giải pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch SXH.
Phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành là giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch SXH.
Thời gian qua, Quảng Bình vẫn thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động người dân tiêm vắc-xin phòng Covid-19 các mũi cơ bản và nhắc lại. Đặc biệt, từ ngày 11/10/2022, khi được Bộ Y tế cấp bổ sung vắc-xin đợt 176 gần 20 nghìn liều Pfizer, toàn tỉnh đã triển khai tiêm chủng cho người dân, trong đó tập trung tiêm mũi 3 cho học sinh ở các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh. 
 
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại khi dịch bệnh đã được khống chế, hầu hết người dân đều lơ là không muốn tiếp tục tiêm các mũi nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19. Nên việc triển khai tiêm chủng của các đơn vị y tế gặp rất nhiều khó khăn, hiện vẫn còn tồn hơn 9.000 liều vắc-xin Pfizer dạng hỗn dịch dành tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên. Vì vậy, kết quả tiêm chủng của Quảng Bình ở một số nhóm đối tượng chưa cao.
 
Cụ thể, tính đến ngày 7/11/2022: Nhóm trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi: Tỷ lệ tiêm 1 mũi đạt: 81,35%; tỷ lệ tiêm 2 mũi đạt: 46,36%. Nhóm trẻ em từ 12-dưới 18 tuổi: Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cơ bản đạt 100%; tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại đạt: 47,11%. Nhóm người từ 18 tuổi trở lên: Tỷ lệ đã được tiêm đủ 2 mũi cơ bản đạt 100%; tỷ lệ tiêm mũi bổ sung đạt: 34,26%; tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 1 đạt: 63,22%; tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 2: 85,33%.
 
PV: Với cương vị Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật-là đơn vị tham mưu chính cho ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch, theo bác sĩ cần phải làm gì để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân?
 
- Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp: Trước tình hình thời tiết cực đoan như hiện tại, thì tháng 11 này vẫn là mùa cao điểm phòng, chống dịch bệnh SXH và tiếp tục tiêm vắc-xin Covid-19 để tăng cường miễn dịch cho cộng đồng trước các biến chủng mới của Omicron.  
Các địa phương ở Bố Trạch tích cực ra quân làm vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng phòng chống sốt xuất huyết.
Các địa phương ở Bố Trạch tích cực ra quân làm vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng phòng, chống SXH
Tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong việc phòng, chống SXH. Năm 2022 được xem là năm thứ 4 trong chu kỳ bùng phát dịch SXH. Một người có thể bị nhiễm SXH nhiều lần (ở nước ta, hiện có 4 tuýp virus Dengue gây bệnh, do đó một người đã từng nhiễm bệnh có thể mắc đến 4 lần trong đời và lần mắc sau thường nặng hơn lần trước). Bệnh lây truyền qua muỗi đốt rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nhưng hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt. 
 
Trước diễn biến của dịch bệnh, thời gian qua các đơn vị y tế trong tỉnh đã tập trung phun hóa chất diệt muỗi chủ động, xử lý các ổ dịch SXH ở các địa phương có số ca mắc cao, như: Lệ Thủy, Bố Trạch…; phối hợp với các đoàn thể địa phương triển khai vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, hạn chế không cho muỗi gây bệnh sinh trưởng và phát triển. Cùng với đó, các bệnh viện tuyến huyện đã tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân SXH kịp thời. 
 
Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển  nặng, tử vong; kiểm soát chặt chẽ nhằm tập trung nguồn lực để tác động vào một số nơi có nguy cơ phát sinh muỗi truyền bệnh SXH; triển khai giám sát véc-tơ định kỳ tại 8 xã trọng điểm: Cảnh Dương (Quảng Trạch), Quảng Thuận (TX. Ba Đồn), Đức Trạch, Hoàn Lão (Bố Trạch), Bắc Lý, Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Tân Ninh (Quảng Ninh), Lộc Thủy (Lệ Thủy).  
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh hỗ trợ Lệ Thủy phun hóa chất chủ động diệt muỗi phòng chống dịch SXH.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh hỗ trợ Lệ Thủy phun hóa chất chủ động diệt muỗi phòng, chống dịch SXH.
Bên cạnh đó, cần sự quan tâm chỉ đạo của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch và đặc biệt là sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí địa phương trong truyền thông nâng cao kiến thức về phòng, chống SXH để người dân và cán bộ chủ động thực hiện tại cơ quan, đơn vị, cũng như tại nhà mình bằng phong trào “Cuối tuần không có lăng quăng, cả tuần không có muỗi”.
 
Đồng thời, Quảng Bình tiếp tục rà soát, tổng hợp đối tượng chưa tiêm vắc-xin, hoặc tiêm vắc xin phòng Covid-19 chưa đầy đủ; tăng cường vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị, địa phương tiêm chủng kịp thời, đúng lịch.
 
Các cơ sở y tế sẽ bố trí thêm điểm tiêm lưu động tại trường học, nhà máy, khu công nghiệp, cụm dân cư... để thuận tiện cho đối tượng tham gia tiêm chủng; phối hợp tuyên truyền để người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ; đặc biệt chú trọng tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi.
 
 PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
 

 Thông điệp của ngành Y tế về công tác phòng, chống dịch SXH là:

"Không có loăng quăng/bọ gậy, là không có SXH"! Phòng tránh muỗi chính là phòng, chống SXH: Muỗi vằn có thể đốt và truyền virus Dengue cả ban ngày lẫn ban đêm, nhất là lúc sáng sớm và chiều tối. Không tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản, diệt lăng quăng (dọn vệ sinh quanh nhà, không để nước tù đọng, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chứa nước). Nên ngủ màn, mặc quần áo dài tay và sử dụng các sản phẩm xua đuổi muỗi.

 
Nội Hà (thực hiện)

tin liên quan

Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà như thế nào để tránh biến chứng nặng?

Người mắc sốt xuất huyết điều trị tại nhà cần được theo dõi, chăm sóc như thế nào?

Chế độ nhịn ăn gián đoạn 16/8 có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe

Chế độ 16/8 - biện pháp giảm cân bằng cách hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống có chứa calo trong 8 giờ/ngày và kiêng ăn trong 16 giờ còn lại - được chứng minh là có lợi cho sức khỏe.

Mỹ thử nghiệm sử dụng thuốc Paxlovid trong điều trị COVID-19 kéo dài

COVID-19 kéo dài là bệnh lý phức tạp với hơn 200 triệu chứng trong đó có kiệt sức, suy giảm nhận thức, đau mỏi cơ, sốt, tim đập nhanh, kéo dài nhiều tháng thậm chí nhiều năm sau khi nhiễm SARS-CoV-2.