Thiếu máu cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới:

Cần sự chung tay của cộng đồng

  • 13:52 | Thứ Bảy, 01/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với nhu cầu mỗi năm khoảng 7.000 đơn vị máu, thời điểm hiện tại, Ngân hàng máu Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH) đã sử dụng hết lượng máu huy động được trong năm 2022 là 4.000 đơn vị. Hiện bệnh viện đang trong tình trạng khan hiếm máu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.
 
Nguồn máu thiếu hụt trầm trọng
 
Chia sẻ về tình trạng khan hiếm máu hiện tại, bác sĩ Hồ Hoàng Thị Kim Huệ, Trưởng khoa Sinh hóa-Huyết học-Truyền máu, Bệnh viện HNVN-CBĐH chia sẻ, thời gian gần đây, nhất là từ trung tuần tháng 9 đến nay, số lượng máu dự trữ trong ngân hàng tại bệnh viện gần như đã sử dụng hết. Vì vậy, nhiều trường hợp bệnh nhân cấp cứu, bệnh viện phải trực tiếp huy động người nhà, các tình nguyện viên và y bác sĩ bệnh viện hiến máu. 
Bệnh viện HNVN-CBĐH tổ chức điểm hiến máu cố định với thời gian tiếp nhận máu trong giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6.
Bệnh viện HNVN-CBĐH tổ chức điểm hiến máu cố định với thời gian tiếp nhận máu trong giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6.
Để bổ sung nguồn máu, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức gần 20 đợt hiến máu tình nguyện tập trung; liên hệ với nhiều địa phương, đơn vị và tổ chức các đoàn y bác sĩ, kỹ thuật viên về tận nơi để lấy máu nhưng số lượng máu thu được cũng chỉ đủ sử dụng trong một thời gian ngắn rồi lại lâm vào tình trạng khan hiếm. Đặc biệt, dự báo tháng 10 này, tình trạng thiếu máu cấp cứu sẽ trầm trọng hơn vì không có nguồn hiến máu.
 
Bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Bệnh viện HNVN-CBĐH cho biết, từ đầu năm đến nay, nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu (tai nạn, chấn thương vỡ tạng, băng huyết sản khoa…), điều trị các bệnh lý về máu (bệnh nhân thiếu máu do Thalassemia, chạy thận nhân tạo, xuất huyết tiêu hóa), truyền máu trong phẫu thuật… tăng cao. Đáng chú ý, hiện tại do diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, trên 50% số bệnh nhân nhập viện điều trị phải truyền tiểu cầu (một loại tế bào máu-PV) nên tình trạng khan hiếm máu càng trở nên trầm trọng.
Khoa Sinh hóa-Huyết học-Truyền máu làm các xét nghiệm kỹ càng trước khi máu được đưa vào sử dụng cho bệnh nhân.
Khoa Sinh hóa-Huyết học-Truyền máu làm các xét nghiệm kỹ càng trước khi máu được đưa vào sử dụng cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, nguồn cung chính từ Trung tâm huyết học truyền máu miền Trung gần như không còn nên nguồn máu của bệnh viện chủ yếu trông chờ vào hoạt động hiến máu tình nguyện tại địa phương. Trước nhu cầu cấp thiết, không thể chờ đợi của bệnh nhân, cuối tháng 9/2022, bệnh viện đã xin chi viện từ Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương và được hỗ trợ 410 đơn vị máu.
 
“Số máu này chỉ đủ để sử dụng trong khoảng gần 2 tuần nên hiện tại bệnh viện đang khẩn trương tìm cách huy động nguồn hiến máu!”, bác sĩ Hồ Hoàng Thị Kim Huệ cho biết thêm.
 
Nỗ lực vì người bệnh
 
Đối diện với thực trạng trên, Bệnh viện HNVN-CBĐH nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn máu, cứu sống bệnh nhân. Theo đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi người dân hiến máu, đơn vị đã và đang tích cực phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Tỉnh đoàn, lực lượng vũ trang, các đoàn thể, địa phương... để tổ chức các đợt hiến máu tập trung.
 
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia hiến máu, cuối tháng 7/2022, Bệnh viện tổ chức điểm hiến máu cố định tại tầng 3, khu nhà nghiệp vụ kỹ thuật cao (tòa nhà 7 tầng) với thời gian tiếp nhận máu trong giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6. Đây là những giải pháp mang tính dài hơi nhằm tạo nguồn cung bền vững cho ngân hàng máu của bệnh viện, đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.  
Hơn 400 đơn vị máu chi viện từ Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương giúp Bệnh viện HNVN-CBĐH cầm cự được khoảng 2 tuần.
Hơn 400 đơn vị máu chi viện từ Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương giúp Bệnh viện HNVN-CBĐH cầm cự được khoảng 2 tuần.

Cùng đó, đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên bệnh viện là những “ngân hàng máu sống” luôn sẵn sàng hiến máu. “Chỉ cần bảo đảm sức khỏe và đủ thời gian quy định giữa hai lần hiến máu, bất cứ lúc nào bệnh nhân cần, y bác sĩ và cán bộ, nhân viên bệnh viện đều sẵn sàng. Có thể nói, trong những tình huống cấp bách nhất, nguồn máu từ người nhà và y bác sĩ, cán bộ, nhân viên bệnh viện là rất quan trọng, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân! Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hầu hết cán bộ, đoàn viên thanh niên của bệnh viện đã tham gia hiến máu cấp cứu bệnh nhân và chưa đủ thời gian cho lần hiến máu tiếp theo, nên bệnh viện gặp khó và bệnh nhân sẽ bất lợi nếu không huy động được nguồn hiến máu trong toàn tỉnh”, bác sĩ Huệ tâm tư.

Trao gửi yêu thương: “Lợi cả đôi đường”
 
Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp nên mỗi năm có hàng nghìn người tình nguyện tham gia. Với 7.000 đơn vị máu sử dụng tại Bệnh viện HNVN-CBĐH hàng năm, chưa kể các bệnh viện tuyến huyện, đã nói lên điều đó. Những giọt máu hồng đã cứu sống nhiều bệnh nhân, giúp họ khỏe mạnh và mang lại niềm tin yêu cuộc sống cho tất cả mọi người.  
Các khoa liên tục nhận máu tại Ngân hàng máu bệnh viện để truyền máu cấp cứu cho bệnh nhân.
Các khoa liên tục nhận máu tại Ngân hàng máu bệnh viện để truyền máu cấp cứu cho bệnh nhân.
Cùng với lợi ích rất cụ thể và nhân văn đó, việc hiến máu còn mang lại rất nhiều tác dụng khác. Đó là người hiến máu sẽ được khám, tư vấn sức khỏe, xét nghiệm nhóm máu, làm công thức máu, xét nghiệm các loại bệnh, như: Viêm gan B, viêm gan C, HIV, giang mai… cùng nhiều phân tích chuyên sâu về gen, acidnucleic... trước khi nguồn máu hiến được sử dụng cho bệnh nhân.
 
Điều đó có nghĩa là người hiến máu được trải qua một cuộc sàng lọc sức khỏe miễn phí với tổng trị giá khoảng trên 800 nghìn đồng cho các xét nghiệm. Trong trường hợp sàng lọc và phát hiện các bệnh lý của người hiến máu, bệnh viện sẽ liên hệ và tư vấn cụ thể các phương án chăm sóc sức khỏe hoặc điều trị.  
Hàng năm Bệnh viện HNVN-CBĐH phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tổ chức các đợt hiến máu tập trung là nguồn bổ sung chính cho Ngân hàng máu của bệnh viện.
Hàng năm Bệnh viện HNVN-CBĐH phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tổ chức các đợt hiến máu tập trung.
Về mặt y học, khoa học cũng đã chỉ rõ những lợi ích thiết thực khi hiến máu, đó là sau mỗi lần hiến máu, cơ thể sẽ sản sinh ra lượng máu mới, kích thích tủy xương, tăng sinh máu, giảm các nguy cơ đột quỵ, tim mạch, giảm tình trạng quá tải sắt, giảm cân… Đặc biệt, mỗi lần hiến máu được xem như một lần gửi máu vào ngân hàng, trong những trường hợp không may cần sử dụng, người hiến máu sẽ được bệnh viện bồi hoàn.
 
Bởi ý nghĩa nhân văn và lợi ích thiết thực đó, những năm qua, đã có rất nhiều trái tim nhân ái trong những thân thể khỏe mạnh tích cực tham gia hiến máu, đồng hành cùng bệnh nhân vượt qua những thời khắc cam go, trao niềm hy vọng cho hàng nghìn người bệnh.
 
“Cùng với các nhu cầu thường xuyên về máu trong cấp cứu và điều trị, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay, nhu cầu truyền tiểu cầu của bệnh nhân tăng rất cao. Để giải quyết tình trạng khan hiếm máu, đề nghị Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động hiến máu trong cộng đồng nhân dân; các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, giao chỉ tiêu và tích cực hưởng ứng hoạt động hiến máu để bổ sung nguồn máu cho bệnh viện, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Chúng tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến những người tham gia hiến máu và mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay của các bạn để cùng nhau mang lại sự sống cho người bệnh, trên tinh thần “Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại!”, bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Bệnh viện HNVN-CBĐH chia sẻ.
 
Hiền Mai

tin liên quan

Khi nào nên test nhanh phát hiện sốt xuất huyết?

Số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy, tuần 38/2022 (12 - 18/9), cả nước ghi nhận 11.472 trường hợp mắc sốt xuất huyết, có 3 ca tử vong, giảm 2,3% so với tuần trước đó.

Bộ Công an chỉ đạo tăng cường bảo đảm an ninh trật tự tại bệnh viện

Sau khi nhận được đề nghị của Bộ Y tế, C06 thuộc Bộ Công an có văn bản đề nghị Trưởng phòng PC06 Công an các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các bệnh viện...

Thái Lan sắp có thuốc xịt mũi ngừa dịch bệnh COVID-19

Thuốc xịt mũi "Vaill CoviTRAP" có khả năng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 bám vào bề mặt bên trong của khoang mũi nhờ trong thành phần có chứa chất phủ Hydroxypropyl Methyl Cellulose (HPMC) giúp giảm tải.