Ứng phó với siêu bão Noru:

Ngành Y tế sẵn sàng phương án "bốn tại chỗ" và trực cấp cứu 24/24h

  • 20:50 | Thứ Hai, 26/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để kịp thời ứng phó với siêu bão Noru, ngày 26/9, đoàn công tác của Sở Y tế do bác sĩ Đinh Viễn Anh, Phó Giám đốc sở làm trưởng đoàn đã trực tiếp về hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy để kiểm tra và chỉ đạo công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân khi mưa bão xảy ra.
 
Sẵn sàng các phương án “bốn tại chỗ”
Phó Giám đốc Sở Y tế bác sĩ Đinh Viễn Anh trao đổi các phương án ứng phó bão Noru với Bệnh viện đa khoa và Trung tâm Y tế huyện Quảng Ninh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Viễn Anh trao đổi các phương án ứng phó bão Noru với Bệnh viện đa khoa và Trung tâm Y tế huyện Quảng Ninh.
Tại những nơi đến kiểm tra, đoàn công tác đã nghe lãnh đạo các đơn vị báo cáo phương án chuẩn bị phòng, chống bão số 4. Cụ thể: Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh đang điều trị trên 220 bệnh nhân. Tùy vào tình hình thực tế, nếu bão lũ xảy ra, bệnh viện sẽ cho bệnh nhân nhẹ xuất viện trước. Bệnh viện cũng chuẩn bị 5 cơ số thuốc và tổ cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, bảo đảm không bị gián đoạn khi mưa lũ xảy ra.
 
Bệnh viện cũng đề nghị, nếu có thể Sở Y tế hỗ trợ xuồng nhựa để di chuyển trong khuôn viên bệnh viện (vì trận lụt năm tháng 10/2020, bệnh viện bị ngập sâu trên 1,2m, việc di chuyển của nhân viên y tế và bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn).
 
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quảng Ninh Nguyễn Kim Thành trao đổi: Đơn vị đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão, phân công cụ thể cho từng thành viên bám sát địa bàn. Trung tâm cũng chuẩn bị 20 cơ số thuốc, trước mắt đã cấp cho các xã có nguy cơ sạt lở, chia cắt và ngập sâu, như: Trường Sơn, Trường Xuân, Hàm Ninh, Tân Ninh… để các trạm y tế chủ động cấp cứu cho người dân trong lũ lụt. Tại trụ sở trung tâm, máy phát điện dự phòng sẵn sàng để bảo quản kho vắc xin khi sự cố mất điện trên diện rộng.   
Máy phát điện của Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh đã được nâng cao hơn so với mức ngập lụt tháng 10/2020.
Máy phát điện của Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh được nâng cao hơn so với mức ngập lụt tháng 10/2020.
Tại Lệ Thủy, bác sĩ Phan Văn Hợi, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện thông tin: Rút kinh nghiệm từ trận lũ lịch sử tháng 10/2020, ngay trong sáng nay, bệnh viện huy động lực lượng cắt tỉa cành cây trong khuôn viên và mua sắm các loại dụng cụ để chằng chống nhà cửa, ưu tiên bảo vệ cửa kính tại các buồng bệnh và khoa, phòng. Hiện, bệnh viện đang điều trị 470 bệnh nhân, trong đó trên 120 bệnh nhân sốt xuất huyết.
 
Đơn vị đã chuẩn bị phương án cụ thể, nếu bão đổ bộ vào Quảng Bình thì sẽ di dời tất cả bệnh nhân xuống tầng 1 và tầng 2; nếu hoàn lưu sau bão gây lũ lụt thì bệnh nhân sẽ được di chuyển lên tầng 2 và 3, lấy cả phòng hội trường để làm nơi điều trị. Các phương án về dự trữ thuốc men và lương thực, thực phẩm cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân cũng đã được bệnh viện tính toán đầy đủ.
 
Đặc biệt, bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng máy phát điện đề phòng mất điện khi đang cấp cứu bệnh nhân; các phương tiện, như: Ca nô, xe cứu thương và tổ cấp cứu ngoại viện... để kịp thời cấp cứu, đưa bệnh nhân lên đường Hồ Chí Minh chuyển về Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đối với những trường hợp nặng, vượt quá khả năng của đơn vị cũng đã có phương án cụ thể.  
Phó Giám đốc Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy phải chủ động phương án di dời máy móc, trang thiết bị y tế, xe cấp cứu lên nơi cao ráo không bị ngập lụt để chủ động khám chữa bệnh cho nhân dân trong mưa lũ.
Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy chủ động phương án di dời máy móc, trang thiết bị y tế, xe cấp cứu để khám, chữa bệnh cho nhân dân trong mưa lũ.
Bác sĩ Nguyễn Công Quân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy thông tin thêm, trước diễn biến phức tạp của bão Noru, trung tâm chỉ đạo các trạm y tế khẩn trương chằng chống nhà cửa, di dời toàn bộ máy móc, trang thiết bị lên tầng 2 tránh bị ngập lụt; cấp phát đèn pin cho các trạm và yêu cầu trực cấp cứu 24/24h. Đặc biệt, trung tâm đã chuyển kho vắc xin lên tầng 2, chuẩn bị máy nổ để bảo quản kho lạnh tránh hư hỏng vắc xin; đồng thời sẵn sàng cơ số thuốc, ca nô để cấp cứu người dân trong mưa bão và xử lý môi trường sau lũ lụt.
 
Trực cấp cứu 24/24h
 
Sau khi nghe báo cáo và kiểm tra thực tế tại các đơn vị, thăm hỏi, động viên bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Viễn Anh đã ghi nhận và đánh giá cao các phương án sẵn sàng ứng phó với mưa bão của các đơn vị y tế.
 
Bác sĩ Đinh Viễn Anh nêu rõ: Có thể bão Noru không đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ta, nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, Quảng Bình sẽ có mưa to và rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở ở vùng núi, ngập úng ở vùng thấp trũng, trong đó, 2 địa phương Quảng Ninh và Lệ Thủy được xác định sẽ ngập sâu và chia cắt khi lũ lụt xảy ra.
 
Vì vậy, qua nắm bắt tình hình thực tế và rút kinh nghiệm từ trận lụt lịch sử tháng 10/2020, Sở  Y tế yêu cầu các đơn vị phải theo dõi chặt chẽ dự báo đường đi của cơn bão số 4 để có phương án ứng phó kịp thời và chủ động, không được chủ quan, lơ là, tránh thiệt hại đến mức thấp nhất về tài sản và con người khi bão lũ xảy ra.  
Bác sĩ Đinh Viễn Anh thăm hỏi, động viên các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy.
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế thăm hỏi, động viên các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy.
Cùng với bệnh viện, các trung tâm y tế chỉ đạo trạm y tế trên địa bàn trực 24/24h để cấp cứu bệnh nhân trong mọi tình huống, không bị động khi người dân cần nhân viên y tế trợ giúp. Bên cạnh đó, các trang thiết bị y tế, máy móc phục vụ khám, chữa bệnh phải được dì dời lên chỗ cao ráo; nếu để máy móc bị ngập lụt hư hỏng trạm trưởng trạm y tế phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. 
 
Đáng chú ý, các bệnh viện chủ động máy nổ để phát điện đề phòng mất điện diện rộng khi đang cấp cứu cho bệnh nhân. Đối với các tổ cấp cứu ngoại viện cần phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự huyện để được hỗ trợ khi di chuyển bệnh nhân cấp cứu trong lũ lụt.
 
Riêng đối với Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy, do số lượng bệnh nhân đông, nên cần có thêm phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống… bảo đảm cho bệnh nhân trong trường hợp ngập lụt bị chia cắt dài ngày.  
Trước khi bão Noru đổ bộ vào đất liền, Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy đang điều trị cho 470 bệnh nhân.
Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy cần có thêm phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống… bảo đảm trong trường hợp ngập lụt bị chia cắt dài ngày.
Bác sĩ Đinh Viễn Anh lưu ý, Trung tâm Y tế Quảng Ninh và Lệ Thủy yêu cầu các trạm y tế vùng nguy cơ bị chia cắt, sạt lở, vùng núi đi lại khó khăn rà soát các đối tượng là bà mẹ mang thai gần kỳ sinh nở phải được di chuyển đến nơi an toàn hoặc đến trạm y tế trước khi lũ lụt xảy ra, để trong mọi tình huống nhân viên y tế đều có thể tiếp cận được, bảo đảm an toàn tính mạng cho cả mẹ và bé. 
 
Một trong những vấn đề nữa là sau lũ lụt, công việc của cán bộ y tế cơ sở hết sức nặng nề, bởi công tác xử lý môi trường, tránh để các loại dịch bệnh bùng phát. Vì vậy, các trung tâm y tế phải chủ động nguồn hóa chất để nước rút đến đâu cùng người dân xử lý môi trường đến đó.
 
Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Viễn Anh yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn Quảng Ninh, Lệ Thủy khẩn trương triển khai ngay các phương án ứng phó trước khi bão Noru đổ bộ vào đất liền; đồng thời, Sở Y tế sẽ tìm các nguồn lực để hỗ trợ thêm cho các đơn vị với mục tiêu vì sự an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân.
 
Chiều 26/9, Sở Y tế có công văn chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh sẵn sàng ứng phó với bão Noru, trong đó nêu rõ: Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của bão, lũ gây ra; triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, lũ quét, sạt lở đất và lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất.
 
Đồng thời, chuẩn bị đủ cơ số thuốc thiết yếu; kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các đơn vị tuyến dưới; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để cứu hộ, cứu nạn, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; bảo đảm công tác cấp cứu, thu dung, điều trị và phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân không bị gián đoạn; chuẩn bị các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; kịp thời cử các đội cơ động phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường đến các xã, phường để hỗ trợ y tế cơ sở phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân khi có yêu cầu.
 
 
 Nội Hà

tin liên quan

Trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu nạn nhân do bão Noru

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc và Sở y tế các địa phương tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa bão gây ra; sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới.

Thống kê số trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi để chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine COVID-19

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc rà soát, thống kê số lượng trẻ để chuẩn bị kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi khi có đủ điều kiện, cơ sở khoa học.

Khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho gần 4.600 trẻ em

(QBĐT) - Được sự hỗ trợ của Quỹ VinaCapital Foundation và Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ (TP. Đà Nẵng), từ ngày 20-23/9, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đã phối hợp tổ chức khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em và tầm soát cao huyết áp, đái tháo đường cho người lớn trên địa bàn huyện Quảng Trạch.