Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch

  • 14:37 | Thứ Sáu, 23/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong những ngày vừa qua, dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc mới gia tăng nhanh, đã vượt mốc 3.000 ca, nhiều bệnh nhân nhập viện, nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu… 
 
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh
 
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, từ đầu năm đến ngày 23/9/2022, Quảng Bình đã ghi nhận 3.106 ca SXH tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố, tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2021.
 
Số ca mắc SXH vẫn tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Lệ Thủy (1.019 ca) và Bố Trạch (643 ca); tiếp đến là Quảng Ninh (477 ca), TP. Đồng Hới (375 ca), Quảng Trạch (275 ca), TX. Ba Đồn (237 ca); 2 huyện có số ca mắc mới thấp hơn các địa phương trong tỉnh là Tuyên Hóa (56 ca) và Minh Hóa (24 ca). Đến thời điểm hiện tại tuy chưa có trường tử vong do SXH nhưng đã có một số bệnh nhân chuyển biến nặng phải chuyển tuyến trên.  
Ngành Y tế cố gắng tìm nguồn hóa chất để chủ động phun diệt muỗi bảo vệ người dân trước dịch bệnh SXH đang có nguy cơ bùng phát.
Ngành Y tế cố gắng tìm nguồn hóa chất để chủ động phun diệt muỗi bảo vệ người dân trước dịch bệnh SXH đang có nguy cơ bùng phát.
Đặc biệt, trong vòng 10 ngày trở lại đây, số ca mắc mới gia tăng nhanh (gần 1.000 ca) và bệnh nhân nhập viện điều trị cũng nhiều hơn. Số bệnh nhân trong tỉnh mắc mới trung bình mỗi ngày từ 60-70 người. Hiện dịch XSH tại các địa phương vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là ở các địa bàn Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh và TP. Đồng Hới.
 
Phòng, chống dịch chưa đạt hiệu quả
 
Ngay từ đầu năm 2022, khi xuất hiện những ổ dịch SXH đầu tiên tại các địa phương Bố Trạch, Lệ Thủy, ngành Y tế mà trực tiếp là CDC Quảng Bình đã chủ động phân bổ hóa chất, hỗ trợ nhân lực đồng hành cùng các địa phương triển khai dập các ổ dịch mới, phun hóa chất chủ động diệt muỗi ở các ổ dịch cũ tại các địa phương nguy cơ cao; tuyên truyền cho người dân tự giác làm vệ sinh môi trường sống của gia đình; tiêu diệt loăng quăng, hạn chế sinh trưởng của muỗi truyền bệnh SXH...
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số địa phương vãn còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch nên tình hình dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống dịch chưa đạt yêu cầu đề ra. 
Cán bộ y tế hướng dẫn cho người dân diệt loăng quăng, không để muỗi phát triển gây bệnh SXH.
Cán bộ y tế hướng dẫn cho người dân diệt loăng quăng, không để muỗi phát triển gây bệnh SXH.
Bác sĩ Đỗ Xuân Tính, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế Bố Trạch), chia sẻ: Tuy nguồn hóa chất diệt muỗi khan hiếm, thời gian gần đây không còn được hỗ trợ từ nguồn của tỉnh, nhưng đơn vị đã tìm mọi cách để có hóa chất phun dập dịch ở những nơi xuất hiện ca bệnh và phun chủ động lần 1, lần 2 tại các ổ dịch cũ, như: Hoàn Lão, Nông trường Việt Trung, Vạn Trạch, Trung Trạch; các địa phương số ca mắc mới đang gia tăng, như: Hạ Trạch, Đồng Trạch, Thanh Trạch...
 
“Thực trạng đáng chú ý hiện nay là một bộ phận người dân ý thức chưa cao, còn chủ quan, lơ là và thậm chí thiếu hợp tác với cán bộ y tế trong phòng, chống dịch SXH; bên cạnh những địa phương tích cực chống dịch, vẫn còn những địa phương thiếu sự quan tâm và “khoán trắng” cho y tế… nên công tác phòng, chống dịch chưa triệt để, hiệu quả chưa cao!”, bác sĩ Tính bộc bạch.
 
Từ Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy, bác sĩ Phan Văn Hợi, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Những ngày gần đây, bệnh viện quá tải vì bệnh nhân SXH nhập viện. Bình quân mỗi ngày thu dung điều trị bệnh nhân mới từ 30-40 người. Tại bệnh viện những ngày qua thường xuyên điều trị bệnh nhân nội trú từ 110-120 ca nên phải kê thêm giường và thậm chí bệnh nhân phải nằm ghép, rất chật chội, bất tiện cho bệnh nhân và người nhà chăm sóc.   
 
"Hiện tại các loại thuốc cơ bản dùng cho điều trị SXH bệnh viện đang nỗ lực để đáp ứng cho công tác điều trị. Tuy nhiên, dịch cao phân tử chuyên dụng cho SXH lại không có, vì vậy một số ca có dấu hiệu chuyển biến nặng, bệnh viện đã kịp thời chuyển lên tuyến trên. Bên cạnh đó, ngoài cộng đồng bệnh nhân SXH đang được chăm sóc, điều trị tại nhà cũng khá đông, nếu y tế cơ sở không theo dõi sát và hướng dẫn điều trị đúng phác đồ thì tình trạng quá tải bệnh viện luôn thường trực...", bác sĩ Phan Văn Hợi thông tin thêm.
Bệnh nhân SXH nhập viện điều trị gia tăng.
Bệnh nhân SXH nhập viện điều trị gia tăng.
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình trao đổi: Cùng với chu kỳ bùng phát dịch SXH, thì thời gian này trên địa bàn tỉnh ta thời tiết cực đoan, mưa nắng thất thường là điều kiện cho muỗi truyền bệnh (Aedes Aegypty) sinh sản mạnh. Trong khi việc đấu thầu mua hoá chất phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn (thậm chí không mua được). Vì vậy công tác chống dịch gặp khó, không đạt yêu cầu đề ra khi các ổ dịch và người dân chưa được bảo vệ triệt để bằng hóa chất diệt muỗi.
 
“Nguy cơ bùng phát dịch SXH là rất lớn, đề nghị các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh việc lồng ghép các hoạt động vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ chứa loăng quăng; triển khai các hoạt động thiết thực truyền thông phòng, chống SXH nhằm nâng cao ý thức cho người dân chủ động cách phòng, chống dịch bệnh; tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường ở những vùng nguy cơ cao, như: Khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, chợ, nhà hàng... đặc biệt, tại những nơi đang có ca bệnh SXH lưu hành, nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm”, Giám đốc CDC Quảng Bình nhấn mạnh. 
 
Để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo, trong đó giao Sở Y tế: Theo dõi sát tình hình dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; kịp thời tham mưu cho tỉnh thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm chủ động, kịp thời, giúp kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
 
Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn, chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực giám sát, chẩn đoán, điều trị; giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch; đẩy mạnh giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị hiệu quả các ca bệnh, tránh lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất tử vong. Đặc biệt, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho công tác khám chữa bệnh và phòng, chống dịch. 

 

Nội Hà

 

tin liên quan

Australia dùng vaccine Pfizer tiêm mũi tăng cường cho trẻ từ 5-11 tuổi

Trẻ em từ 5 đến 11 tuổi tại Australia được khuyến nghị tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi trẻ em từ 12 tuổi trở lên và người trưởng thành được khuyến nghị tiêm 3 hoặc 4 mũi.

Hơn 300 trẻ em mắc Adeno nhập viện, Bộ Y tế yêu cầu không để bùng dịch

Trước thực tiễn số trẻ mắc virus Adeno gia tăng, ngày 21/9, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống bệnh.

Mũi tiêm tăng cường đang được nhiều nước chú trọng

Thời gian gần đây, việc tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19, cụ thể là tiêm liều tăng cường, đang được chú trọng tại nhiều quốc gia.