Lệ Thủy:

Khoanh vùng, khống chế dịch sốt xuất huyết

  • 13:59 | Thứ Sáu, 09/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước tình hình số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn có chiều hướng tăng cao, diễn biến phức tạp, huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp phòng chống, không để bùng phát trên diện rộng…
 
Xã Cam Thủy là nơi ghi nhận ca bệnh mắc SXH đầu tiên trên địa bàn huyện Lệ Thủy, vì thế công tác phòng, chống dịch SXH luôn được chính quyền địa phương, ngành Y tế đặc biệt quan tâm, để dịch không bùng phát, diễn biến phức tạp.
 
Ông Nguyễn Đình Châu, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho biết: Từ khi xuất hiện ca bệnh SXH đầu tiên vào tháng 5/2022, đến nay xã đã ghi nhận hơn 100 ca mắc SXH. Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, chính quyền địa phương và ngành Y tế đã lập tức triển khai các biện pháp để kiểm soát dịch. Trạm tế xã tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường và phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy phun hóa chất diệt muỗi tại thôn Tân Phong, Mỹ Duyệt; kiểm tra các gia đình, giám sát chặt chẽ người nhà bệnh nhân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân hiểu rõ hơn về bệnh SXH…
 
“Để dịch SXH không bùng phát, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền tới các thôn để nâng cao ý thức của người dân; đồng thời phát động nhân dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy)… tại những nơi có nguy cơ cao nhằm hạn chế thấp nhất SXH phát sinh, diễn biến phức tạp tại địa phương…”, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho biết thêm.
Khám cho bệnh nhân đang điều trị SXH tại Trạm Y tế xã Hồng Thủy.
Khám cho bệnh nhân đang điều trị SXH tại Trạm Y tế xã Hồng Thủy.
Nhiều năm qua, xã Hồng Thủy là địa phương “trắng” về dịch SXH. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào tháng 6/2022, xã đã có hơn 100 ca mắc SXH.
 
Bác sĩ Trương Bá Quang, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Thủy cho biết: Trước tình hình dịch SXH trên địa bàn diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh ngày càng tăng, Trạm Y tế xã đã triển khai nhiều biện pháp để chủ động ứng phó và khống chế, không để dịch SXH bùng phát mạnh.
 
“Ngoài triển khai các biện pháp theo hướng dẫn của ngành Y tế, Trạm Y tế xã đã tham mưu chính quyền địa phương tuyên truyền nhân dân tổng vệ sinh các vật dụng phế thải nơi sinh sống của muỗi, phun thuốc diệt muỗi với phương châm “Không có bọ gậy, không có SXH”. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà địa phương đang gặp phải là trước đây do Hồng Thủy không có dịch SXH nên người dân chưa hiểu cách phòng, chống SXH và hiện tại trạm y tế không có hóa chất để diệt muỗi trưởng thành…”, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Thủy cho biết thêm.
 
Hiện tại, tình hình dịch SXH trên địa bàn huyện Lệ Thủy đang diễn biến phức tạp với số ca mắc bệnh hơn 600 trường hợp, trong đó có gần 30 ca ngoại lai. Các địa phương có ca bệnh SXH cao là xã: Cam Thủy hơn 100 ca, Hồng Thủy hơn 100 ca, Hoa Thủy gần 100 ca, Sơn Thủy gần 70 ca…
 
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy Nguyễn Công Quân cho biết: Lệ Thủy là huyện thấp trũng, điều kiện sinh hoạt của nhân dân còn nhiều khó khăn, một số hộ gia đình có thói quen trữ nước trong bể để sử dụng lâu ngày. Ngoài ra, tại một số địa phương có truyền thống nấu rượu, sử dụng bình nước làm lạnh ngưng tụ nên việc diệt lăng quăng gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, mùa nắng nóng, người dân thường sử dụng quạt hơi nước để làm mát, do đó, lăng quăng, muỗi sinh sản phát triển nhanh. Mặt khác, thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường làm các dụng cụ đọng nước ngoài nhà luôn đầy nước, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, làm nguy cơ dịch SXH tăng cao.
 
Cũng theo ông Quân, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; chủ động điều tra côn trùng tại các xã trọng điểm để từ đó đưa ra các nhận định tình hình dịch bệnh; tăng cường công tác giám sát, ca bệnh nghi ngờ mắc SXH nhằm phát hiện và xử lý dịch kịp thời; đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức làm vệ sinh môi trường, tiến hành phun hóa chất chủ động và xử lý ổ dịch theo quy mô thôn, xóm; cấp cơ số thuốc phòng, chống dịch cho 12 địa phương có nhiều ca mắc SXH…
 
“Thời gian tới, ngành Y tế huyện Lệ Thủy sẽ tập trung nguồn lực để khống chế dịch SXH, không để dịch bệnh lan rộng; phát hiện sớm ca bệnh để tổ chức xử lý triệt để đúng hướng dẫn của ngành Y tế; tổ chức thu dung điều trị ca bệnh độ 1 và độ 2; thực hiện chiến dịch làm vệ sinh môi trường diệt lăng quăng và truyền thông kiến thức về SXH cho người dân trên địa bàn…”, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy cho biết.
 
"Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn huyện Lệ Thủy, đó là, hóa chất diệt muỗi trưởng thành không có để xử lý các ổ dịch và ý thức của người dân về công tác tác vệ sinh môi trường chưa cao, trong khi chính quyền các xã, thị trấn xem đây là công việc của ngành Y tế nên chưa quan tâm đúng mức…”, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy Nguyễn Công Quân cho biết thêm.
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Người bệnh được hưởng lợi

(QBĐT) - Chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng là chương trình nhằm chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe tâm thần cho người dân, làm giảm hành vi nguy hại, tàn phế cho bệnh nhân tâm thần.

Quảng Bình phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên 95%

(QBĐT) - Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở, Quảng Bình đã duy trì được tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở mức cao và phấn đấu đạt tỷ lệ trên 95% trong năm 2022.
 

Nâng cao năng lực giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

(QBĐT) - Sáng 31/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn về công tác giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở thuộc quân y Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bệnh xá Công an tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.