Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng sau 20 năm

  • 07:52 | Thứ Sáu, 29/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em những năm qua có nhiều cải thiện, Chiều cao trung bình của người Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Nhân viên y tế chăm sóc cho trẻ sơ sinh. (Ảnh: TTXVN phát)
Nhân viên y tế chăm sóc cho trẻ sơ sinh. (Ảnh: TTXVN phát)
 
Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản tại Việt Nam có những tín hiệu khả quan trong thời gian qua. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt trên 80%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì 95-97%. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ đạt gần 80%.
 
Đặc biệt, tỷ lệ tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ ở Việt Nam cũng giảm (năm 2000 có 165 ca, con số này năm 2019 chỉ còn 46 ca).
 
Thông tin được Tiến sỹ Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) đưa ra tại Hội thảo về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em do Bộ Y tế tổ chức ngày 28/7 tại Hà Nội.
 
Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng
 
Theo Tiến sỹ Trần Đăng Khoa, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em cũng có nhiều cải thiện. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng lên sau 20 năm. Theo đó, nữ trung bình cao 152,3 cm (năm 2000) đã tăng lên 155,6 cm (năm 2020). Như vậy nữ Việt Nam đã tăng 3,3 cm trong 20 năm. Nam giới Việt Nam cao trung bình 162,3cm (năm 2000) đã tăng lên 168,1 cm (2020).
 
Chiều cao trung bình của người Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia. Tỷ lệ tăng chiều cao của người Việt trong 20 năm so với quốc gia ở châu Á như Nhật Bản vẫn chưa đạt như mong muốn. Điều này cần một quá trình lâu dài, cải thiện chiều cao cần phải đảm bảo các yếu tố như dinh dưỡng, bổ sung vi chất, liên quan đến gene…
 
Theo ông Khoa, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đó là là sự chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân tộc. Đơn cử như tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng 3 (đồng bào dân tộc thiểu số) cao gấp 3 lần vùng thành thị. Tỷ lệ này ở dân tộc H’mong cao gấp 7, 8 lần ở dân tộc Kinh, Tày. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị và khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh ngày càng tăng.
 
Bên cạnh đó, tử lệ tử vong sơ sinh còn cao chiếm đến 70-80% tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, 50-60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (tương ứng 31,4% so với 15% và 21% so với 8,5%).
 
Lý giải thực trạng này, ông Khoa nhấn mạnh, là do thiếu nhân lực (thiếu cán bộ chuyên môn sản nhi, bác sỹ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tại tuyến huyện); thiếu cơ sở vật chất; trang thiết bị.
 
Bên cạnh đó, về năng lực cấp cứu sản khoa, sơ sinh như sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí... còn hạn chế ở những vùng khó khăn. Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ can thiệp nhiều ở vùng 3 sẽ giảm nhanh chung tử vong mẹ toàn quốc.
 
Cẩm nang dõi sức khỏe mẹ và bé
 
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em những năm qua đạt nhiều bước tiến. Các chỉ số giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em và giảm suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, chỉ số này cần được thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Giao diện chuyên trang Sổ mẹ và bé.
Giao diện chuyên trang Sổ mẹ và bé.
Để cải thiện các chỉ số này, cần phải làm nhiều việc khác nhau, trong đó có việc xây dựng công cụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Một trong những giải pháp được Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em thực hiện là xây dựng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
 
Công cụ này được thực hiện theo mô hình của Nhật Bản, được triển khai từ năm 1998 (tại Bến Tre) nhưng đến năm 2015 mới được hiện thực hóa tại 4 tỉnh với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA - Nhật Bản).
 
Đến nay, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai trên toàn quốc và đã phủ sóng hầu hết các tỉnh thành. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kết quả chưa đạt như kỳ vọng.
 
Biểu đồ khoảng cách về tử vong trẻ em ở người dân tộc thiểu số và người dân tộc Kinh ngày càng tăng:

Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 140 ngày 20/1/2020 về ban hành mẫu sổ theo dõi chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Cuốn sổ này được thiết kế khoa học theo diễn tiến quá trình mang thai và chăm sóc trẻ đến 6 tuổi. Hiện đã có trên 40 nước sử dụng loại sổ này, nhằm kịp thời phát hiện các nguy cơ, tai biến có thể gặp phải trong quá trình mang thai cũng như các dấu hiệu bất thường về bệnh tật của trẻ. Đây là công cụ góp phần giảm tử vong mẹ và trẻ em.

Sổ giống như một cuốn nhật ký sức khỏe thể hiện quan tâm của gia đình với trẻ em từ lúc chào đời đến khi trưởng thành. Sổ cũng chứa nhiều thông tin tư vấn hữu ích cho cha mẹ, nhằm xử trí và theo dõi các vấn đề bệnh thông thường ở trẻ.
 
Hiện phần mềm theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em đã có sẵn trên các kho ứng dụng với tên gọi "somevabe", người dùng có thể truy cập và tải về điện thoại hoặc máy tính để theo dõi sức khỏe thai kỳ cũng như chăm con khỏe mạnh.
 
Phụ huynh quan tâm, muốn có công cụ để xây dựng thực đơn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ có thể truy cập vào phần mềm tại địa chỉ dinhduongmevabe.com.vn.

Theo Thùy Giang (Vietnam+)

 

tin liên quan

Vaccine dạng dán thế hệ mới có thể chống lại các biến thể của SARS-CoV-2 hiệu quả hơn

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Queensland (Australia) tin rằng vaccine dạng dán thế hệ mới sẽ hiệu quả hơn so với các loại vaccine dạng tiêm truyền thống trong việc phòng ngừa các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Quyết tâm không để "dịch chồng dịch"

(QBĐT) - Những ngày gần đây, cùng với số ca mắc Covid-19 có chiều hướng gia tăng, dịch sốt xuất huyết cũng đang diễn biến khó lường ở các địa phương. Với những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch, sự chủ động, linh hoạt, Quảng Bình quyết tâm không để "dịch chồng dịch", bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân.
 

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nước đá dùng liền

(QBĐT) - Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nước đá luôn được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm soát chặt chẽ.