Xây dựng kế hoạch tiêm vaccine COVID -19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi

  • 13:47 | Thứ Tư, 05/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

Để thực hiện tiêm cho các đối tượng là trẻ em, Bộ Y tế cho rằng cần có sự phối hợp của người dân, đặc biệt là các phụ huynh sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Lực lượng y tế chuẩn bị vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Lực lượng y tế chuẩn bị vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi và báo cáo Chính phủ. Khi được Chính phủ cho phép, Bộ Y tế sẽ làm việc với nhà cung ứng để có đủ vaccine sớm nhất tiêm cho trẻ em.
 
Việt Nam đã đạt miễn dịch cộng đồng
 
Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh về kế hoạch tiêm vaccine năm 2022, Bộ Y tế đã triển khai tiêm bổ sung cho những đối tượng có nguy cơ như bị nhiễm HIV, suy thận, viêm gan B, xơ gan... mũi 3 sau khi đạt thời gian cần thiết (sau mũi 2).
 
Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới và nhận định của các nhà khoa học thì dịch COVID-19 chưa được kiểm soát trong năm 2021-2022 và có thể xuất hiện biến thể mới, như thời gian qua đã xuất hiện biến thể Omicron.
 
“Tuy nhiên, hiện Việt Nam đã bao phủ vaccine COVID-19 đạt tỷ lệ mũi 1 cho người trưởng thành trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%. Như vậy độ bao phủ vaccine đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng,” ông Tuyên nhấn mạnh.
 
Về khả năng cung ứng vaccine, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, nhu cầu tiêm trong năm 2022 chủ yếu tiêm mũi bổ sung, mũi 3 nhắc lại và tiêm cho trẻ em cùng nguồn vaccine mà cơ chế COVAX phân phối thêm cho Việt Nam trong quý I/2022 thì lượng vaccine tiêm cho người trưởng thành Việt Nam đã đủ. Vì vậy, Việt Nam đang tiếp cận nguồn vaccine tiêm cho trẻ em.
 
Để thực hiện tiêm cho các đối tượng là trẻ em, Bộ Y tế cho rằng cần có sự phối hợp của người dân, đặc biệt là các phụ huynh sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước khi tiêm, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể để về việc tiêm hiệu quả nhất.
 
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận tổng số hơn 195 triệu liều vaccine và đã tiêm được hơn 154 triệu liều, tổng dân số bao phủ tiêm mũi 1 vaccine gần 74%. Theo các nhà tài trợ, các tổ chức, đơn vị, các chính phủ nước ngoài đã cam kết tài trợ cho Việt Nam, nhà cung cấp vaccine (đã được Bộ Y tế ký hợp đồng cung cấp vaccine cho Việt Nam), tổng số nguồn vaccine cung ứng và cả nguồn tài trợ cho Việt Nam là trên 227 triệu liều.
 
Điều chỉnh linh hoạt trong điều trị, cách ly
 
Thời gian qua, với mục tiêu thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia đã có những giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn, đặc biệt là điều chỉnh về điều trị F0.
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Theo Thứ trưởng Tuyên, trước đây, tất cả F0 đưa đi điều trị ở cơ sở y tế, thì hiện nay F0 thể nhẹ không triệu chúng được hướng dẫn điều trị ở nhà nếu đủ điều kiện, có sự theo dõi chặt chẽ của y tế cơ sở, khi có diễn biến nặng bất thường báo ngay y tế cơ sở.

Ngành y tế sẵn sàng có lực lượng đến thăm khám, đưa đến cơ sở điều trị. Bên cnahj đó, nếu như trước đây, F1 đưa đi cách ly tập trung thì nay được theo dõi tại nhà (nếu đủ điều kiện) và có giám sát chặt chẽ của y tế cơ sở.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, trước đây được hướng dẫn đưa đi cách ly tập trung 14 ngày, thực hiện xét nghiệm.

Hiện nay theo hướng dẫn mới, tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine, trước khi lên máy bay vào Việt Nam và xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72h thì theo dõi tại nhà trong vòng 3 ngày, không được tiếp xúc với xung quanh; Xét nghiệm 1 lần PCR nếu tiếp tục âm tính thì theo dõi sức khỏe cho đến hết 14 ngày; trong 14 ngày có diễn biến bất thường thì sẽ báo y tế cơ sở và chính quyền địa phương.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng có hướng dẫn rất cụ thể phòng, chống dịch đối với chuyên gia nhập cảnh làm việc ở nước ta dưới 14 ngày.

Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, nhất là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 tại Việt Nam với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, buộc Việt Nam phải áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch chưa từng có tiền lệ để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận gần 1,7 triệu ca mắc COVID-19; hơn 31.000 người tử vong.

Nhận định về triển vọng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam trong năm 2022, Thứ trưởng Tuyên cho hay theo sự chỉ đjao của Thủ tướng Chính phủ, các ngành chức năng vẫn tiếp tục theo đuổi việc thực hiện tốt mục tiêu kép là vừa phát triển kinh tế và vừa làm tốt công tác chống dịch.

Theo Thùy Giang (Vietnam+)
 

tin liên quan

Không kê giá thiết bị y tế trước lưu hành bị phạt đến 20 triệu đồng

Theo Nghị định mới, phạt tiền từ 15-20 triệu đồng với một trong các hành vi: không thực hiện kê khai giá trang thiết bị y tế trước khi lưu hành ở Việt Nam; mua bán trang thiết bị chưa kê khai giá...
 

Phát hiện thêm 51 F0, trong đó có 15 ca chưa rõ nguồn lây

(QBĐT) - Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 30-12 đến 6 giờ ngày 31-12), Quảng Bình ghi nhận thêm 51 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 50 ca tại cộng đồng, 15 ca chưa rõ nguồn lây.

Thế giới ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới COVID-19 trong 7 ngày

Trong giai đoạn từ 22 đến 28-12, thế giới ghi nhận tổng cộng 6.550.000 ca mắc, tức là trung bình 935.863 ca/ngày, phản ánh virus SARS-CoV-2 đang lan với tốc độ nhanh chưa từng thấy.