Phòng, chống dịch Covid-19: Những bài học kinh nghiệm

  • 08:42 | Thứ Năm, 27/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2021 là năm toàn ngành Y tế phải căng mình chống dịch. Từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ, lúng túng, qua thực tiễn, đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm trong cuộc chiến cam go với dịch Covid-19. Báo Quảng Bình lược ghi và chia sẻ những kinh nghiệm quý của lực lượng tuyến đầu chống dịch.
 
Duy trì 5 chiến lược lớn xuyên suốt, nhất quán
 
(Bác sỹ CKII Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình)
 
Thực tế chống dịch tại Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng ngay từ những ngày đầu chống dịch cho đến nay luôn duy trì 5 chiến lược lớn xuyên suốt, nhất quán để phòng, chống dịch Covid-19: “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả”. 
CDC Quảng Bình truy vết thần tốc ổ dịch chợ Ba Đồn (tháng 9-2021).
CDC Quảng Bình truy vết thần tốc ổ dịch chợ Ba Đồn (tháng 9-2021).
Trong chống dịch tại thực địa, việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo 5 chiến lược này hết sức quan trọng, đóng vai trò then chốt cho công tác chống dịch. Khi ca bệnh Covid-19 xảy ra trong cộng đồng, việc đầu tiên phải làm ngay là truy vết tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân (F1) để tổ chức cách ly. Bởi F1 là những người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh và có thể sẽ trở thành nguồn lây nguy hiểm trong cộng đồng. Chính vì vậy, việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh là yếu tố cực kỳ quyết định trong chống dịch.
 
Nguyên tắc truy vết là phải “thần tốc và triệt để”, phải nhanh hơn sự lây lan của dịch bệnh. Và phải truy vết hết, không được để sót F1. Nếu bỏ sót, nguy cơ F1 có thể trở thành F0, làm lây lan ra toàn cộng đồng, đây là một chỉ số rất xấu trong chống dịch.
 
Nhớ lại những ngày đầu chống dịch, khi đó đội ngũ y tế Quảng Bình chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc truy vết, nên việc truy vết F1 của những ca bệnh đầu tiên còn lúng túng. Nhưng qua thực tiễn, nhất là từ cuối tháng 8/2021 đến nay, chúng ta đã dần tích lũy được những kinh nghiệm hay cho công tác này.  
Giai đoạn cao điểm dịch bùng phát, mỗi ngày CDC Quảng Bình thực hiện hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Giai đoạn cao điểm dịch bùng phát, mỗi ngày, CDC tỉnh thực hiện hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Một trong những kinh nghiệm rất quan trọng nữa của “chiến lược phát hiện” là thực hiện xét nghiệm diện rộng, nhanh tại cộng đồng cũng như xét nghiệm những nhóm người nguy cơ cao để phát hiện ngay nguồn bệnh trong vùng dịch.
 
Công tác này đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm, đầu tư nguồn lực và thực hiện quyết liệt trong suốt giai đoạn chống dịch. Trong năm qua, Quảng Bình đã tiến hành xét nghiệm 1.521.901 mẫu bệnh phẩm, tập trung chủ yếu ở giai đoạn từ ngày 24/8 đến 31/12 với tổng số 1.486.394 mẫu. Chỉ tính riêng tháng 9/2021 đã xét nghiệm 793.727 mẫu, chiếm 52,15% so với cả năm 2021. 
 
Một trong những biện pháp giúp Quảng Bình chống dịch nhanh chóng đó là thực hiện cách ly một cách triệt để, nhằm cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây có cơ hội lan ra cộng đồng. Đối với bệnh nhân tổ chức cách ly nghiêm ngặt tại bệnh viện, các trường hợp F1 thực hiện cách ly tập trung (CLTT). Một trong những yếu tố thành công của tỉnh ta trong đợt chống dịch vừa qua chính là việc cương quyết và thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế trong thực hiện CLTT bắt buộc F1. 
 
Trong 1 năm chống dịch, Quảng Bình đã tổ chức CLTT 15.016 trường hợp F1, trong đó đã phát hiện được 525 ca bệnh dương tính từ những trường hợp này. Nhờ kiểm soát chặt F1 ngay từ đầu mà các nguồn lây trong cộng đồng đã được cô lập và cách ly kịp thời, không có cơ hội lây lan diện rộng. 
 
Khi xuất hiện các điểm nóng dịch tễ, ổ dịch phức tạp, có các yếu tố dịch tễ khó kiểm soát… phải tiến hành khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ vùng có dịch, dập dịch triệt để ở bên trong để ngăn chặn không cho dịch lan rộng trong cộng đồng và lây lan sang các vùng khác, địa phương khác. Tùy theo tình hình thực tiễn về dịch tễ mà lựa chọn quy mô vùng cách ly một cách hợp lý với nguyên tắc khoanh vùng gọn nhất có thể, nguy cơ đến đâu khoanh vùng đến đó. Chiến lược này đã được thực hiện một cách linh hoạt, hiệu quả tại các địa phương trong đợt chống dịch vừa qua. 
Công tác xét nghiệm đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm, đầu tư nguồn lực, trang thiết bị hiện đại và thực hiện quyết liệt trong suốt giai đoạn chống dịch.
Công tác xét nghiệm đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm, đầu tư nguồn lực, trang thiết bị hiện đại và thực hiện quyết liệt trong suốt giai đoạn chống dịch.
Đặc biệt, chống dịch tại thực địa phải dựa vào cộng đồng, huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Việc tổ Covid-19 cộng đồng ra đời đã phát huy hiệu quả thiết thực. Trong đợt chống dịch vừa qua, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các địa phương đã thành lập được rất nhiều tổ Covid-19 cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống dịch tại địa bàn. Họ là cầu nối chủ động trong công tác phòng, chống dịch của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, giúp cho người dân yên tâm, tin tưởng, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
 
Việc thành lập các tổ Covid-19 cộng đồng trong phòng, chống dịch chính là một trong những sáng tạo, độc đáo của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19. Với sự hoạt động tích cực của tổ Covid-19 cộng đồng, chúng ta thực sự đã đưa được các biện pháp phòng, chống dịch tới từng hộ gia đình-chống dịch tại từng nhà mà ít có nơi nào trên thế giới có thể làm được. Và đây chính là biểu hiện sinh động nhất của việc phòng, chống dịch dựa vào nhân dân, toàn dân tham gia phòng, chống dịch.
 
Mô hình bệnh viện chia đôi
 
(Bác sỹ Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bố Trạch)
 
Thực hiện chiến lược cách ly và điều trị hiệu quả, Bệnh viện đa khoa Bố Trạch đã thực hiện mô hình bệnh viện chia đôi: Vừa phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) thông thường của người dân, vừa hỗ trợ điều trị bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm Covid-19.
 
Đặc biệt vào cuối tháng 8 và tháng 9/2021, dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh, Bố Trạch là điểm nóng nhất, cùng với toàn huyện vừa căng mình chống dịch, tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng vừa tham gia tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, bệnh viện vẫn duy trì công tác KCB thông thường, vừa điều trị cách ly ca nghi nhiễm. Tính đến thời điểm hiện tại, nhờ thực hiện tốt công tác sàng lọc, phân luồng nên không để xảy ra tình trạng bị lây nhiễm Covid-19 trong bệnh viện. 
Huyện Bố Trạch quyết định thiết lập khu điều trị bệnh nhân Covid-19 lâu dài tại trụ sở UBND xã Hoàn Trạch cũ.
Huyện Bố Trạch quyết định thiết lập khu điều trị bệnh nhân Covid-19 lâu dài tại trụ sở UBND xã Hoàn Trạch cũ.
Khi thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về thích ứng linh hoạt phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, bệnh viện đã thiết lập khu điều trị Covid-19 tại Phòng khám đa khoa khu vực Sơn Trạch (PKĐKKVST). Mới đây, qua thực tế điều trị, bệnh viện đã đề xuất và huyện đã quyết định thiết lập khu điều trị bệnh nhân Covid-19 lâu dài tại trụ sở UBND xã Hoàn trạch cũ, trả lại công năng KCB thông thường của PKĐKKVST cho nhân dân các xã vùng miền núi xa trung tâm.
 
Hiện, Bố Trạch đang tổ chức điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mô hình: Khu điều trị Covid trong bệnh viện (sử dụng khu cách ly của khoa truyền nhiễm để điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc tầng 2), còn các khoa, phòng khác tổ chức KCB thông thường. Khu điều trị Covid-19 ngoài bệnh viện tại trụ sở UBND xã Hoàn Trạch cũ để điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc tầng 1 (không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ). Điều trị tại nhà cho những ca bệnh không có triệu chứng và đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà.
 
Để có thể thích ứng an toàn với dịch Covid-19, người dân cần mạnh dạn đến bệnh viện để điều trị sớm các bệnh lý nền. Cùng với vắc-xin thì đây là khâu mấu chốt giúp làm giảm nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân Covid-19.
 
Điều trị F0 tại nhà
 
(Bác sỹ Uông Đình Thái, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch)
 
Thời gian vừa qua, tỉnh ta liên tiếp phát hiện nhiều ổ dịch tại cộng đồng, riêng huyện Quảng Trạch ghi nhận trên 400 F0 trong thời gian chưa đầy 1 tháng (cuối năm 2021 và đầu năm 2022). Trên 98% những ca mắc mới này đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. 
Quảng Trạch là địa phương đầu tiên của Quảng Bình triển khai thực hiện điều trị F0 tại nhà.
Quảng Trạch là địa phương đầu tiên của Quảng Bình triển khai thực hiện điều trị F0 tại nhà.
Với đặc thù là địa phương duy nhất chưa có khu điều trị bệnh nhân Covid-19, chưa có bệnh viện đa khoa tuyến huyện, vì vậy, Trung tâm Y tế (TTYT) Quảng Trạch là đơn vị đầu tiên của tỉnh đã mạnh dạn triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, công tác điều trị F0 tại nhà.
 
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, TTYT huyện đã thành lập ngay tổ quản lý, giám sát F0 tại nhà, tổ lưu động xử trí cấp cứu; thường xuyên cập nhật, tập huấn trực tuyến cho lực lượng y tế cơ sở về những kỹ năng chuyên môn, văn bản chỉ đạo của cấp trên; vừa triển khai, vừa học hỏi, vừa cập nhật kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời, đơn vị theo sát chỉ đạo phân tầng chính xác bệnh nhân F0, kiểm tra kỹ các trường hợp lớn tuổi, bệnh nền; chuẩn bị kịp thời vật tư y tế và thuốc kháng vi-rút phục vụ điều trị F0 tại nhà.
 
Kết quả, từ ngày 4/12/2021 đến 24/1/2022, Quảng Trạch đã điều trị 482 ca F0 tại nhà, trong đó có 398 ca đã hoàn thành điều trị, hiện còn 74 ca đang điều trị tại nhà. Trong quá trình điều trị, TTYT đã phát hiện 10 trường hợp F0 có diễn biến được chuyển đến bệnh viện kịp thời, an toàn và hiện 10 ca này đã hoàn thành điều trị tại bệnh viện.  
Đến thời điểm hiện tại, Quảng Trạch đã thực điều trị 482 ca F0 tại nhà an toàn và hiệu quả.
Đến thời điểm hiện tại, Quảng Trạch đã thực điều trị 482 ca F0 tại nhà an toàn và hiệu quả.
Xác định là không thể có “zero Covid”, phải sống chung với dịch, thích ứng với dịch một cách phù hợp nhất, do vậy, việc quản lý điều trị F0 tại nhà là một xu hướng tất yếu. Qua thực tiễn điều trị, Quảng Trạch rút ra được một số bài học kinh nghiệm bước đầu, đó là: Thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng, quyết liệt nhưng cũng hết sức linh hoạt các chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở Y tế, phù hợp từng thời điểm, từng địa phương; tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương.
 
Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỹ năng chuyên môn của cán bộ y tế cơ sở; phân tầng chính xác các F0 đủ điều kiện, F0 cần phải nhập viện; theo dõi sức khỏe bệnh nhân F0 đa dạng bằng nhiều hình thức vừa trực tiếp, vừa gián tiếp bằng các phần mềm ứng dụng; bảo đảm sơ cấp cứu ban đầu thật tốt, chuyển viện kịp thời các trường hợp có diễn biến nặng.
 
Bên cạnh đó, cần phát huy tốt việc quản lý, giám sát của chính quyền cấp xã, các tổ Covid-19 cộng đồng, các thôn, xóm; sự ủng hộ của các tổ chức xã hội cho lực lượng y tế cũng như các F0 tại nhà. Đặc biệt, cần tuyên truyền thường xuyên về công tác phòng, chống dịch nói chung, công tác điều trị Covid-19 cho người dân nói riêng, để nâng cao sự hiểu biết, tạo sự đồng thuần, ủng hộ trong đại đa số người dân khi thực hiện điều trị F0 tại nhà.
 
Nội Hà (thực hiện)
 
 
 

tin liên quan

Ghi nhận thêm 158 F0 tại cộng đồng, riêng Đồng Hới 104 ca

(QBĐT) - Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 25/01/2022 đến 6 giờ ngày 26/01/2022), Quảng Bình ghi nhận thêm 196 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 158 ca cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 860 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà.

Ghi nhận thêm 80 ca nhiễm Covid-19 mới

(QBĐT) - Trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 24/01/2022 đến 6 giờ ngày 25/01/2022), Quảng Bình ghi nhận thêm 80 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 56 ca cộng đồng; trong ngày có 54 ca xuất viện, theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. 

Ghi nhận thêm 167 F0 trong 24 giờ qua trên địa bàn Quảng Bình

(QBĐT) - Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 23/01/2022 đến 6 giờ ngày 24/01/2022), Quảng Bình ghi nhận thêm 167 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 96 ca cộng đồng, 71 ca trong khu cách ly. Toàn tỉnh hiện có 647 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà.