Tiếp cận tối đa các loại thuốc điều trị COVID-19 đưa về Việt Nam

  • 14:25 | Thứ Năm, 09/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của virus: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir...
Người dân thực hiện khai báo y tế và các quy định phòng dịch tại bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Người dân thực hiện khai báo y tế và các quy định phòng dịch tại bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
"Bước đầu chúng tôi nhận định, các ca bệnh COVID-19 tử vong chủ yếu xuất hiện ở nhóm người mắc bệnh nền, bệnh mãn tính hoặc trường hợp người cao tuổi, sức khỏe suy giảm," là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên về tỷ lệ tử vong bệnh nhân COVID của Việt Nam thời gian qua.
 
Trước thông tin về tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đã đạt 97%, mũi 2 khoảng trên 70% nhưng số ca tử vong hiện ghi nhận vẫn còn cao, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo thống kê chung của thế giới và Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19 của Việt Nam vẫn thấp so với thế giới. Bộ Y tế đang giao Cục Quản lý khám chữa bệnh và các sở y tế đánh giá nguyên nhân cụ thể các trường hợp tử vong.
 
Để hạn chế tối đa người mắc COVID-19 tử vong, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, chiến lược giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 là tiếp cận các loại thuốc điều trị COVID-19 đang nghiên cứu và đã lưu hành trên thế giới để đưa lượng thuốc điều trị về Việt Nam với tỷ lệ cao nhất, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân nặng.
 
Bên cạnh đó, cùng với việc cơ bản hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi tăng cường đối với các trường hợp nguy cơ cao tất cả trường hợp F0 nhẹ đều được hướng dẫn điều trị ở nhà, trường hợp bệnh nhân nặng được đưa vào cơ sở điều trị, khi các loại thuốc điều trị COVID-19 được đưa về Việt Nam theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thế giới và trong nước, sẽ góp phần rất tốt trong điều trị, giảm thiểu bệnh nhân tử vong.
 
Liên quan đến thuốc điều trị COVID-19, theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân COVID-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của virus: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir...
 
Ngoài ra, thuốc kháng thể kép cũng đang được đưa vào điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng.
 
Các thuốc hỗ trợ khác như thuốc ức chế phản ứng miễn dịch (Chất ức chế Interleukin-6, Baricitinib), thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền (Xuyên tâm liên) cũng được đưa vào phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19...
 
Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.
 
Về vấn đề đánh giá kháng thể sau tiêm vaccine phòng COVID-19 để đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định ngay từ đầu khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Y tế đã giao các viện liên quan nghiên cứu, đánh giá về vấn đề này.
 Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine cho học sinh Trường Trung học phổ thông Nam Trực (Nam Định). (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine cho học sinh Trường Trung học phổ thông Nam Trực (Nam Định). (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Hiện các viện đang nghiên cứu và Bộ Y tế cũng đã đề nghị các viện sớm công bố nghiên cứu, báo cáo kết quả về các trường hợp đã tiêm vaccine hoặc nhiễm SARS-CoV-2.
 
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 8-12, cả nước ghi nhận 230 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam đến nay lên 26.930 ca, chiếm 2% so với tổng số ca mắc.
 
Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
 
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN)./.
 
Theo PV (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Xử trí thế nào khi trung tâm thương mại có ca nghi mắc COVID-19?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm, đơn vị quản lý nhà hàng, siêu thị... đưa người nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 đến khu vực cách ly tạm thời đã được bố trí tại chỗ.

Quảng Bình vượt mốc 3000 ca Covid-19 từ trước đến nay

(QBĐT) - Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 08-12 đến 6 giờ ngày 09-12), Quảng Bình ghi nhận thêm 56 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 47 ca cộng đồng, nâng tổng số ca từ trước đến nay lên 3.002 ca.
 

'Không có lý do gì để nghi ngờ' hiệu quả vaccine đối với biến thể Omicron

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, nhật báo Les Echos số ra ngày 8-12 dẫn nhận định của giới khoa học cho biết vaccine hiện tại có thể giúp các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron tránh được tình trạng bệnh nghiêm trọng.