Bộ Y tế: Ứng phó với bão số 5 trong bối cảnh phòng, chống COVID-19

  • 14:03 | Thứ Sáu, 10/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Các lực lượng y tế tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân.
Bộ Y tế đề nghị tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhóm dân cư cần phải sơ tán. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Bộ Y tế đề nghị tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhóm dân cư cần phải sơ tán. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Bộ Y tế đã ban hành Công điện số 1360/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ yêu cầu triển khai công tác y tế ứng phó với bão số 5 (tên quốc tế là Côn Sơn) và mưa lớn.
 
Văn bản nêu rõ thực hiện Công điện số 10/CĐ-TW ngày 7-9-2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện nghiêm chỉ đạo tại các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 và Công văn số 7439/BYT-KHTC ngày 8/9/2021 của Bộ Y tế.
 
Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Côn Sơn, tình hình mưa, lũ trên các phương tiện thông tin để có phương án chuẩn bị phòng, chống; rà soát kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của địa phương, đơn vị phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương trong điều kiện vừa phải thực hiện phòng chống dịch COVID-19 vừa đáp ứng tình huống mưa lũ, bão lớn.
 
Các lực lượng chức năng tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; triển khai phương án bảo vệ cơ sở y tế tại vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng; xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung bệnh nhân COVID-19 trong tình huống xảy ra thiên tai.
 
Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
 
Trong trường hợp phải sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...), Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện xây dựng phương án, kịch bản sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, bố trí khu vực phù hợp với từng đối tượng, tình hình dịch tại địa phương trình Ủy ban Nhân dân tỉnh để chỉ đạo các lực lượng liên quan tổ chức thực hiện.
 
Bộ Y tế đề nghị tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhóm dân cư cần phải sơ tán: test nhanh để tách trường hợp nghi ngờ, F0 ra khỏi cộng đồng trước khi tổ chức vận chuyển đến nơi sơ tán (các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao cần phải bố trí tại khu vực riêng) theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của địa phương.
 
Việc tổ chức sơ tán người dân và kiểm tra các điểm tránh trú an toàn phòng chống thiên tai, dịch bệnh theo hướng dẫn về công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 (theo Quyết định số 16/QĐ-TWPCTT ngày 23-8-2021 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai) và hướng dẫn của Bộ Y tế tại điểm sơ tán, nơi tập trung đông người cần phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
 
Các cơ sở y tế đề nghị lực lượng công an, dân quân tự vệ, bộ đội, đoàn thanh niên... hỗ trợ việc sơ tán dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của mưa bão, lũ; chú ý ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ có thai; bảo đảm an toàn trong quá trình sơ tán và tại khu sơ tán; hỗ trợ chằng chống nhà cửa khi người nhà sơ tán.
 
Đồng thời, các lực lượng chức năng bảo đảm giãn cách tại khu sơ tán tốt nhất có thể, bảo đảm các phương tiện sát khuẩn, khẩu trang đủ cho người được sơ tán và những người làm việc tại khu sơ tán; tổ chức trực bảo đảm y tế, phòng chống dịch 24/24 tại khu sơ tán, tổ chức xét nghiệm hoặc tiêm vaccine cho người dân (nếu có điều kiện).
 
Đối với các công trường xây dựng, hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống bão, lụt đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với y tế, công an và lực lượng khác của địa phương hỗ trợ công tác cách ly, giãn cách và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương; đặc biệt là các khu thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19./.
 
Theo TTXVN/Vietnam+