Bảo vệ sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trước đại dịch Covid-19

  • 10:56 | Thứ Tư, 21/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến con người, cộng đồng và nền kinh tế trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không đồng đều giữa các nhóm dân số, trong đó, phụ nữ và trẻ em gái thường là đối tượng chịu tác động lớn nhất. Do đó, giải pháp nâng cao nhận thức về nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục cũng như tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch là rất quan trọng.
 
Hiện nay, đại dịch Covid-19 đang ngày càng lan rộng và phát triển nhanh trong cộng đồng, nên nhiều phụ nữ và trẻ em gái độ tuổi thành niên ở những xã vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại thăm khám và sử dụng các dịch vụ về dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).
 
Trong khi đó, các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay về lĩnh vực DS-KHHGĐ đang gặp phải tình trạng gián đoạn do dịch bệnh, tác động tới khả năng tiếp cận các phương tiện tránh thai và làm tăng rủi ro có thai ngoài ý muốn đối với phụ nữ.
 Bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trước đại dịch Covid-19
Bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trước đại dịch Covid-19
Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Bình, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, việc thực hiện các chỉ tiêu dịch vụ KHHGĐ tại các điểm “nóng” đạt chưa cao. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng và có chiều hướng tăng, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng cồn bãi, ven biển, vùng có đông đồng bào công giáo, cụ thể: Quảng Trạch 26,36%, Minh Hóa 25,71%, Ba Đồn 24,62%, Lệ Thủy 24,57%...
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Nam Bình, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho hay: Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em gái ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên khá cao đã đặt ra cho công tác DS tỉnh nhà nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đó là, làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sinh con ngoài ý muốn và tình trạng sinh con thứ 3.
 
Đồng thời, thực hiện linh hoạt các giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm các quyền cơ bản, nhất là quyền chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, quyền được hiểu, tiếp cận các thông tin chính thống và dịch vụ an toàn, tiện lợi cho nhóm đối tượng đặc thù này.
 
Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng bằng nhiều giải pháp tích cực, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tập trung các hoạt động hướng tới đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái dưới nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với bối cảnh.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã thực hiện tuyên truyền 58 chuyên mục, 1.798 lượt phát sóng về các hoạt động DS-KHHGĐ trên trên sóng phát thanh, loa truyền thanh ở huyện, phường, xã; tổ chức 120 buổi truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông lồng ghép cho trên 5.470 lượt người nghe; duy trì sinh hoạt 46 câu lạc bộ về DS-KHHGĐ với 1.890 thành viên; tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình cho 10.634 người. Trong quá trình thực hiện tuyên truyền, tư vấn, đội ngũ viên chức, cộng tác viên DS-KHHGĐ luôn tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh, giữ khoảng cách an toàn theo quy định của Bộ Y tế.
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành DS-KHHGĐ tỉnh mong muốn các cấp, ngành liên quan cần tích cực chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa, thường xuyên phối hợp chặt chẽ để cùng nhau vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa góp phần nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục cũng như tính dễ tổn thương của phụ nữ, trẻ em gái, góp phần thực hiện tốt mục tiêu dân số và phát triển chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.
 
Theo kết quả báo cáo tại kho dữ liệu dân cư đến cuối tháng 6-2020, tổng dân số toàn tỉnh Quảng Bình là 961.056 người, trong đó, nam chiếm 50,4%, nữ chiếm 49,6%. Phụ nữ độ tuổi từ 15-49 chiếm gần 54% tổng dân số nữ toàn tỉnh và trẻ em gái ở độ tuổi 15-24 chiếm 27% tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ…
 
Hiền Phương