Quảng Bình tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng để phòng dịch chủ động

  • 08:20 | Thứ Bảy, 27/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt lịch sử và đại dịch Covid-19, nhưng trong năm 2020, công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR) trên địa bàn Quảng Bình đã được triển khai đạt kết quả tích cực.
 
Trong thời gian cao điểm dịch Covid-19 (tháng 4-2020), tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh phải tạm dừng tổ chức tiêm chủng làm cho tỷ lệ tiêm, uống vắc-xin trong các tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với dự kiến kế hoạch. Công tác tiêm chủng tại các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục bị ảnh hưởng do thực hiện giãn cách xã hội trong quý II và III.
 
Đặt biệt, Quảng Bình liên tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề của cơn đại hồng thủy trong tháng 10 và tháng 11 năm 2020. Bên cạnh đó, ảnh hưởng tâm lý e ngại lây nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch khiến cha mẹ lo ngại, không cho trẻ đi tiêm chủng ngay, rất nhiều trẻ bị bỏ mũi hoặc chậm lịch tiêm chủng.
Khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ tại phòng khám tư vấn và điều trị dự phòng.
Khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ tại phòng khám tư vấn và điều trị dự phòng.
Để giảm tới mức thấp nhất tác động của dịch Covid-19 đối với kết quả TCMR, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai tổ chức tiêm chủng ngay sau khi giãn cách xã hội, bảo đảm vừa chống lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2, vừa phục hồi công tác tiêm chủng trở lại; chỉ đạo các địa phương tổ chức nhiều đợt tiêm vét, tiêm bù các vắc xin để chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
 
Nhờ đó, năm 2020 toàn tỉnh có 14.500/15.048 trẻ dưới 1 tuổi trong toàn tỉnh được tiêm chủng đầy đủ (đạt tỷ lệ 96,36%); tỷ lệ tiêm vắc xin AT2 (+) của phụ nữ có thai đạt 97,7%; có 12.161/15.048 trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh, đạt tỷ lệ 80,8%.
 
Với việc hạn chế tập trung đông người trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài hướng dẫn tổ chức các hoạt động tiêm thường xuyên, tiêm bù, tiêm bổ sung, những tháng cuối năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chỉ đạo toàn tỉnh triển khai thành công chiến dịch tiêm vắc xin Td (phòng uốn ván, bạch hầu) cho 17.517/18.229 trẻ 7 tuổi (đạt 96,1%) tại các huyện, thị xã, thành phố.
 
Nhờ nỗ lực triển khai các hoạt động TCMR trong trạng thái bình thường mới, năm 2020 Quảng Bình tiếp tục không ghi nhận trường hợp bại liệt hoang dại, bảo vệ thành công thanh toán bệnh bại liệt; duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh. Trên phạm vi toàn tỉnh không ghi nhận dịch sởi, rubella; số trường hợp mắc sởi giảm mạnh so với năm trước; tiếp tục ghi nhận số mắc rubella thấp, góp phần quan trọng khống chế hội chứng rubella bẩm sinh, căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và sự phát triển của trẻ sơ sinh.
 
Năm 2021, Quảng Bình phấn đấu tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin trong TCMR cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95% trong phạm vi toàn tỉnh, bảo đảm an toàn tiêm chủng và phòng, chống nhiễm SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang, Dự án TCMR Quốc gia tiếp tục hỗ trợ các địa phương, nhất là các địa phương còn gặp nhiều khó khăn và thiệt hại nặng nề sau đợt lũ lụt lịch sử vừa qua để tăng tỷ lệ tiêm chủng, thông qua việc đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao năng lực cán bộ các tuyến, truyền thông, quản lý đối tượng và tạo điều kiện để người dân dễ tiếp cận dịch vụ TCMR hơn nữa.
 
Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai chiến dịch tiêm vắc xin IPV cho khoảng 33.700 trẻ em sinh ra từ ngày 1-3-2016 đến 28-2-2018 chưa được tiêm vắc-xin IPV tại 151/151 xã, phường, thị trấn trong quý I/2021.
 
Bên cạnh việc tăng cường các hoạt động trong Chương trình TCMR, trong năm 2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình tiếp tục đầu tư, nâng cấp mở rộng Phòng khám tư vấn và điều trị dự phòng (tiêm chủng dịch vụ) tại số 164, Bà Triệu, phường Đồng Phú để người dân được tiếp cận các loại vắc xin chưa được triển khai trong chương trình TCMR (vắc xin dịch vụ); đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động cộng đồng về lợi ích của tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch và các hoạt động tiêm chủng bổ sung để người dân chủ động đưa con đi tiêm chủng; phổ biến các kiến thức về theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Khuyến khích sử dụng hình thức truyền thông nhóm qua mạng xã hội nhằm tiếp cận, vận động cha mẹ cho con đi tiêm chủng đúng lịch, hướng dẫn an toàn tiêm chủng.
 
Thầy thuốc ưu tú, BS CKII Đỗ Quốc Tiệp
Giám đốc CDC Quảng Bình