Mỗi "chiến sỹ áo trắng" phải tiên phong trên trận tuyến bảo vệ sức khỏe nhân dân

  • 08:15 | Thứ Sáu, 26/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) -  2020 là năm mà Quảng Bình và nhiều địa phương khác trong cả nước phải đối diện với rất nhiều khó khăn do thiên tai và dịch bệnh Covid-19. Để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, ngành Y tế đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân. Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2021), Thầy thuốc ưu tú, bác sỹ CKII Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế đã chia sẻ với bạn đọc Báo Quảng Bình về những nỗ lực của ngành trong năm vừa qua, nhất là trên lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
 
PV: Xin bác sỹ cho biết những hoạt động nổi bật mà toàn ngành đã đạt được trong năm vừa qua?
 
Bác sỹ Nguyễn Đức Cường: Năm qua, ngành Y tế triển khai đồng loạt các hoạt động nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và các loại dịch bệnh phát sinh sau lũ. Khó có thể nói hết khối lượng công việc mà đội ngũ cán bộ y tế toàn ngành trải qua. Ngay từ đầu năm, toàn ngành đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh covid-19, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương trong công tác giám sát, truy vết người đến, về từ vùng dịch, người có tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 để cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
 
Đặc biệt, giữa tháng 4-2020, ngành Y tế đã đưa vào sử dụng hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và đến ngày 12-1-2021 Viện Pastuer Nha Trang đã có quyết định cho phép Khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình được xét nghiệm khẳng định các trường hợp SARS-CoV-2 dương tính, giúp tỉnh ta chủ động hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Tiên phong, chủ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngành Y tế đã để lại nhiều ấn tượng đặc biệt trong lòng người dân.
Tiên phong, chủ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngành Y tế đã để lại nhiều ấn tượng đặc biệt trong lòng người dân.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế cùng sự phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương, tỉnh ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Hiện tại, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 1 trường hợp tái dương tính với Covid-19 ở huyện Minh Hóa sau thời gian cách ly, điều trị khỏi tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.
 
Ngành cũng đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác, không để dịch bệnh lan truyền trên diện rộng. Các chương trình y tế như: vệ sinh môi trường, vệ sinh lao động, y tế trường học, sức khỏe nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, phòng chống lao, phòng, chống một số bệnh không lây nhiễm, an toàn vệ sinh thực phẩm…  được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.
 
Ngành Y tế tỉnh còn tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả các hoạt động khám, chữa bệnh, đặc biệt là việc phát triển các kỹ thuật cao. Để làm được điều này, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng nhằm triển khai nhiều kỹ thuật mới, trong đó có một số kỹ thuật chuyên sâu mà trước đây chỉ bệnh viện tuyến Trung ương mới thực hiện được. Thành quả này không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh mà còn góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
 
Hệ thống của ngành Y tế được sắp xếp, tổ chức lại phù hợp với điều kiện thực tiễn nên đã phát huy hiệu quả trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, đơn vị đi đầu trong ứng dụng các kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, đơn vị đi đầu trong ứng dụng các kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
PV: Đối diện với thiên tai, dịch bệnh, chắc hẳn ngành Y tế gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ?
 
Bác sỹ Nguyễn Đức Cường: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai nên ngành Y tế gặp những khó khăn nhất định như: cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế bị hư hỏng, xuống cấp, việc thu dịch vụ y tế tại các bệnh viện giảm, ảnh hưởng đến vấn đề tự chủ tài chính được giao theo lộ trình. Đặc biệt, trong 2 đợt lũ liên tiếp xảy ra vào tháng 10-2020, cũng như nhiều ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh, ngành Y tế phải hứng chịu hậu quả nặng nề.
 
Nhiều cơ sở y tế bị ngập sâu trong nước, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn của các đơn vị bị hư hỏng, ước tính tổng thiệt hại toàn ngành hơn 50 tỷ đồng. Nhiều bệnh viện, trạm y tế (TYT) bị thấm dột, ngập lụt, trong đó, TYT các xã: Lâm Hóa (Tuyên Hóa); Nhân Trạch, Phúc Trạch, Tây Trạch, Mỹ Trạch (Bố Trạch)… bị hư hỏng nặng.
 
Bệnh viện đa khoa (ĐK) Minh Hóa, Bệnh viện ĐK khu vực Bắc Quảng Bình, Bệnh viện ĐK huyện Lệ Thủy, Bệnh viện ĐK huyện Quảng Ninh... đối diện với rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị bị hư hỏng. Khó khăn là vậy, song ngay trong lũ lụt, các bệnh viện, TYT vẫn duy trì tốt hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân, thực hiện nghiêm túc chế độ trực 24/24h, sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị hiệu quả cho người bệnh.
 
Khó khăn, hạn chế nữa là việc triển khai các kỹ thuật đã được phê duyệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh đạt thấp, từ 26-63%, hoạt động triển khai kỹ thuật mới, phương pháp mới còn hạn chế. Một số bệnh viện chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử. Một số TYT còn gặp khó khăn về trang thiết bị, cơ sở vật chất…
 
PV: Vậy đâu là giải pháp khắc phục khó khăn để triển khai tốt các nhiệm vụ trên hành trình mới, thưa bác sỹ? 
 
- Bác sỹ Nguyễn Đức Cường: Với tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh mới nổi, dịch bệnh Covid-19.
 
Ngành sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh và ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, thực hiện công tác chuyển đổi y tế số, hồ sơ sức khỏe điện tử và tạo điều kiện cho các TYT xã, phường thực hiện chuẩn quốc gia. Toàn ngành tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với tình hình mới và thực hiện lộ trình tự chủ ở các đơn vị y tế…
 
Một trong những nhiệm vụ được ngành Y tế xác định quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế dự phòng, tập trung đẩy mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh, chú trọng việc tiếp nhận kỹ thuật mới, phương pháp mới từ bệnh viện tuyến trên để ứng dụng trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ngành đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo dựng những bước đi ngày càng mạnh mẽ. Để có kết quả đó, mỗi “chiến sỹ áo trắng” phải phát huy hơn nữa tinh thần lao động sáng tạo, tiên phong trên mặt trận phòng, chống bệnh tật, bảo vệ sức khỏe nhân dân. 
 
PV: Xin cảm ơn bác sỹ!
 
                                                                             Nh.V (thực hiện)