Quảng Ninh:

Nâng cao chất lượng công tác dân số trong tình hình mới

  • 08:32 | Thứ Hai, 11/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, những năm qua, chất lượng công tác dân số trên địa bàn huyện Quảng Ninh ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
 
Triển khai chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới (gọi tắt là Nghị quyết 21), thời gian qua, huyện Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch thực hiện và bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận.
 
Nhiều năm qua, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn huyện Quảng Ninh được triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn, đặc biệt chú trọng ở vùng sâu, vùng xa và vùng biển. Việc truyền thông, giáo dục về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ đã được chuyển tải bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nội dung phù hợp với trình độ nhận thức của người dân, tạo được những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 21, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều chương trình nhằm nâng cao chất lượng công tác dân số.
Chị em phụ nữ thôn Lệ Kỳ 2, xã Vĩnh Ninh tham gia hội nghị truyền thông dân số.
Chị em phụ nữ thôn Lệ Kỳ 2, xã Vĩnh Ninh tham gia hội nghị truyền thông dân số.
Bà Nguyễn Thị Lánh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Quảng Ninh cho biết: Xác định việc chăm sóc SKSS, KHHGĐ là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần ổn định dân số, đồng thời nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn, thời gian qua, ngoài các chiến dịch truyền thông trên diện rộng, Phòng Dân số Trung tâm Y tế huyện Quảng Ninh đã phối hợp với các ban, ngành, đơn vị tổ chức chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép đưa dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ đến tận các xã có mức sinh cao, xã khó khăn.
 
Trung tâm đã tổ chức truyền thông tuyên truyền những nội dung chính của Nghị quyết 21 và các chuyên đề về nâng cao chất lượng dân số như: lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tổ chức nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh; cấp phát tờ rơi, biểu mẫu hướng dẫn sàng lọc trước sinh, sơ sinh và tài liệu tìm hiểu về mất cần bằng giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ban DS-KHHGĐ các xã, thị trấn tổ chức 31 buổi truyền thông lồng ghép về công tác DS-KHHGĐ ở 15/15 xã, thị trấn, thu hút 1.858 lượt người tham gia...
 
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về dân số nên thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện Quảng Ninh đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại năm 2020 trên 4.255 trường hợp, đạt 103% kế hoạch; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên toàn huyện chiếm khoảng 19,5%, nhiều địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 dưới 10%, tiêu biểu như các xã Vĩnh Ninh, Võ Ninh, Lương Ninh; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 10,8%...
 
Các hoạt động, chiến dịch được triển khai chu đáo, từ việc lập kế hoạch đến tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện. Công tác truyền thông được thực hiện trước, trong chiến dịch bằng nhiều hình thức, như: truyền thông lồng ghép vào các buổi sinh hoạt, hội họp của các tổ chức, đoàn thể...
 
Sau khi được tư vấn về các biện pháp chăm sóc SKSS, KHHGĐ, hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại…, các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh được khám, điều trị phụ khoa và thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại như: tiêm thuốc tránh thai, uống thuốc tránh thai, đặt dụng cụ tử cung…Thông qua chiến dịch, nhiều phụ nữ đã thay đổi nhận thức và hành vi, tự nguyện sử dụng các biện pháp KHHGĐ, sinh ít, sinh thưa để có điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
 
Bác sỹ Hồ Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh cho biết: “Cùng với công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là tư vấn về tâm sinh lý, tình bạn, tình yêu, tình dục an toàn, kiến thức phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phòng tránh viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây qua đường tình dục..., những năm qua, Bệnh viện đa khoa huyện đã phối hợp tổ chức khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh; phẫu thuật đình sản và khám sức khỏe tiền hôn nhân cho thanh niên, vị thành niên nhằm chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho bạn trẻ về cuộc sống tình dục vợ chồng; phát hiện và điều trị sớm một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau”.
 
Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện Quảng Ninh vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, nhất là tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của người dân còn hạn chế, tư tưởng trọng nam hơn trọng nữ vẫn còn nặng nề; việc kiểm soát quy mô dân số chưa bền vững, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở một số địa phương còn ở mức cao. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ...
 
Có thể nói, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới trên địa bàn huyện Quảng Ninh thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo ở địa phương.
 
Trong thời gian tới, huyện Quảng Ninh tiếp tục thực hiện công tác xã hội hóa sâu rộng đối với hoạt động DS-KHHGĐ, trong đó chú trọng vào việc huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội; tiếp tục nâng cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, góp phần ổn định và từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện trong tình hình mới.
 
Ng.Khang