Phòng ngừa và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh đái tháo đường type 2

  • 07:59 | Thứ Năm, 03/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới vừa hoàn thành đề tài về nghiên cứu đề kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Đề tài đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá cao và đang xem xét ứng dụng vào thực tiễn.
 
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh nội tiết chuyển hóa mạn tính, có yếu tố di truyền, được đặc trưng bởi sự tăng glucose máu. Bệnh sinh của ĐTĐ type 2 rất phức tạp, có liên quan đến tình trạng kháng insulin và giảm hoạt động của tế bào beta tuyến tụy. Trong đó, đề kháng insulin (KI) đóng vai trò rất quan trọng, là yếu tố tiên đoán mạnh nhất cho sự tiến triển của bệnh ĐTĐ type 2, đồng thời là một mục tiêu điều trị khi tăng đường huyết. 
 
Nhằm xác định tỷ lệ đề kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm phòng ngừa và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh đái tháo đường type 2, nhóm nghiên cứu của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới”.
Xét nghiệm máu là một trong các bước thực hiện nghiên cứu đề kháng insulin ở bệnh nhân ĐTĐ type 2.
Xét nghiệm máu là một trong các bước thực hiện nghiên cứu đề kháng insulin ở bệnh nhân ĐTĐ type 2.
Bác sỹ CKII Trần Tiến Hùng, Chủ nhiệm đề tài cho biết: KI là sự suy giảm hiệu quả sinh học của insulin, thường biểu hiện bằng việc tăng nồng độ insulin trong máu. KI ảnh hưởng đến tất cả các loại tế bào và không có triệu chứng, điều này làm cho bệnh cực kỳ khó điều trị và phòng ngừa. KI kéo dài là yếu tố nguy cơ độc lập cho các bệnh mãn tính bên cạnh ĐTĐ bao gồm bệnh tim mạch và đột qụy. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị KI nói chung và KI ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 nói riêng đóng vai trò quan trọng.
 
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành chọn 358 bệnh nhân ĐTĐ type 2, không phân biệt giới tính đến khám bệnh tại Khoa Khám bệnh-Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đủ các điều kiện cần thiết để nghiên cứu. Sau khi ghi nhận các thông tin hành chính, bệnh sử, tiền sử, đo chiều cao, cân nặng, vòng bụng và huyết áp của bệnh nhân theo protocol đã định sẵn, nhóm nghiên cứu hỏi bệnh, khám lâm sàng, sau đó xét nghiệm máu, xác định tình trạng kháng insulin ở các bệnh nhân.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ đề kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 là 79,6%; trong đó, tỷ lệ đề kháng insulin ở nam là 40,5%, nữ giới là 39,1%. Nhóm nghiên cứu cũng đã nghiên cứu một số yếu tố liên quan đến tình trạng đề kháng insulin ở bệnh nhân ĐTT type 2. Trong đó, các yếu tố về lối sống làm tăng tỷ lệ đề kháng insulin đó là hút thuốc lá, uống rượu bia, lối sống lười vận động, ít hoạt động thể lực. Yếu tố rối loạn chuyển hóa cũng sẽ làm tăng đề kháng insulin gồm bệnh nhân tăng huyết áp, béo phì, bệnh nhân có tình trạng tăng Triglyceride và giảm HDL-cholesterol.
 
Để phòng ngừa và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường Type 2, nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra một số giải pháp. Đầu tiên là cần chẩn đoán sớm đề kháng insulin ở những đối tượng nguy cơ cao như người ít vận động, có vòng bụng ≥ 90 cm (nam) hoặc ≥ 80 cm (nữ); người bị rối loạn lipid máu; tăng huyết áp, tiền đái tháo đường… Tiếp theo là bệnh nhân cần kiểm soát cân nặng để ngăn ngừa sự tiến triển thành ĐTĐ ở những đối tượng nguy cơ cao; còn đối với những người bệnh ĐTĐ thừa cân-béo phì, việc giảm cân giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh ĐTĐ.
 
Ngoài ra, bệnh nhân cần tăng cường hoạt động thể lực vì hoạt động thể lực không những giảm đề kháng insulin, hạ đường huyết còn làm giảm huyết áp, cải thiện nồng độ LDL-C, HDL-C và Triglyceride máu. Bệnh nhân ĐTĐ type 2 người lớn nên tham gia hoạt động thể lực cường độ vừa phải đến cao ít nhất 150 phút/tuần trải dài ít nhất 3 ngày/tuần, không nên quá 2 ngày liên tiếp mà không hoạt động thể lực. Bên cạnh đó, nam giới cần ngừng hút thuốc lá và hạn chế tiêu thụ rượu bia để phòng ngừa và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường Type 2.
 
T. Hoa