Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình:

"Lá chắn" trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh

  • 09:45 | Thứ Ba, 13/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã gọi đại dịch Covid-19 là cuộc “khủng hoảng nghiêm trọng nhất” mà thế giới phải đối mặt kể từ sau thế chiến thứ II. Việt Nam là quốc gia đã kiên cường chiến đấu và thành công trong cuộc chiến chống Covid-19.
 
Và Quảng Bình là 1 trong những địa phương đã ngăn chặn hiệu quả không để dịch xâm nhập địa bàn, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2. Có được thành công đó, là sự đóng góp công sức không nhỏ của đội ngũ y bác sỹ, cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) - họ là những “lá chắn” trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh.
 
Vì cộng đồng an toàn
 
Để có được những bằng chứng khoa học, xác thực về dịch tễ, tham mưu kịp thời trong công tác phòng chống từng loại dịch bệnh, việc điều tra, xác minh luôn gắn liền với cán bộ y tế cần mẫn trên hành trình làm công tác phòng chống dịch. Những bước chân của cán bộ y, bác sỹ CDC Quảng Bình chưa bao giờ ngừng lại.
 
Từ những bản làng miền núi xa xôi đến những vùng cát trắng nắng cháy, đâu đâu cũng có hình bóng của những người “chiến sỹ áo trắng”. Họ-những người làm công tác y tế dự phòng - đã không quản ngại khó khăn, gian khổ thường xuyên đi đến tận vùng sâu, vùng xa, bám sát địa bàn có dịch, chủ động giám sát ổ dịch; gõ cửa từng nhà, tiếp xúc từng người dân để tuyên truyền, vận động, điều tra, xác minh các trường hợp sốt rét, lao, bệnh phong, sốt xuất huyết và nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
CDC Quảng Bình phối hợp đón công dân về từ tâm dịch Đà Nẵng.
CDC Quảng Bình phối hợp đón công dân về từ tâm dịch Đà Nẵng.
Từ những cống hiến lặng thầm ấy đã góp phần làm nên thành công của ngành Y tế dự phòng Quảng Bình trong việc ngăn chặn và khống chế các loại dịch bệnh nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho cộng đồng, như: SARS, Ebola, MERS-CoV, cúm A (H5N1), (H7N9)…
 
Chương trình Tiêm chủng mở rộng với các chiến dịch tiêm vắc xin Sởi-Rubella (MR); tiêm bổ sung vắc xin phòng Bại liệt (IPV)... đã góp phần khống chế và giảm đáng kể các ca mắc trong cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi từ năm 2016 đến nay của Quảng Bình luôn duy trì và đạt trên 98%.
 
Quảng Bình tiếp tục giữ vững thành quả khi thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, bệnh phong, giảm tỷ lệ mắc sốt rét từ 5-10%, củng cố được mạng lưới phòng chống lao từ tuyến tỉnh-huyện-xã hoạt động hiệu quả, triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường công tác phòng chống HIV/AIDS… Đồng thời, tỉnh ta đã nỗ lực khống chế được dịch sốt xuất huyết khi hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, với tỷ lệ mắc/100.000 dân thấp hơn nhiều so với các địa phương trong cả nước…
 
Chiến sỹ áo trắng trên mặt trận chống Covid-19
 
Giám đốc CDC Quảng Bình, bác sỹ CKII. Đỗ Quốc Tiệp cho biết: CDC Quảng Bình được thành lập theo Quyết định số 4559/QĐ-UBND, ngày 22-11-2019 của UBND tỉnh, trên cơ sở hợp nhất 6 trung tâm tuyến tỉnh (trực thuộc Sở Y tế). Thời điểm ngay sau khi hợp nhất cũng là lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã đặt ra cho CDC Quảng Bình những nhiệm vụ nặng nề hơn bao giờ hết. Cùng với việc tiếp tục nhiệm vụ phòng chống các dịch bệnh khác, CDC Quảng Bình phải “căng mình” làm “lá chắn” ngăn cho dịch bệnh Covid-19 không xảy ra tại Quảng Bình. Công việc thường nhật vốn đã vất vả nay càng thêm khó khăn hơn. Những bước chân của họ luôn vội vã, căng thẳng, sẵn sàng tinh thần lên đường “chiến đấu” bất kể ngày đêm, mưa nắng…
CDC Quảng Bình thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.
CDC Quảng Bình thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp chia sẻ, để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, CDC đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, các Tổ phản ứng nhanh, Tổ hậu cần và các Tổ công tác chuyên môn khác nhằm thường trực đáp ứng công tác phòng, chống dịch ngay khi cần.
 
Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và lan nhanh ra toàn cầu, công dân Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á, đã tấp nập hồi hương, có ngày cao điểm lên đến gần 1.000 người nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. CDC đã chủ động tăng cường cán bộ, nhanh chóng triển khai các hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ, phun khử khuẩn đối với các phương tiện đi từ nước ngoài về.
 
Cùng với đội ngũ cán bộ y, bác sỹ thường trực tại các khu cách ly tập trung của tỉnh, CDC còn có 1 đội phản ứng nhanh thường trực 24/24h để tiến hành giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện cách ly đối với các trường hợp nghi nhiễm (F1) hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan tới dịch bệnh. Họ là những người “đi trước về sau”, luôn có mặt sớm nhất và tiếp xúc gần nhất với những người có nguy cơ mắc Covid-19. Nhưng vượt lên trên những nỗi lo về nguy cơ cao bị lây nhiễm chéo, những cán bộ y tế làm công tác dự phòng vẫn ngày đêm lặng thầm chiến đấu chống dịch, giữ an toàn cho cộng đồng.
 
Bác sỹ Huỳnh Công Hùng, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Quảng Bình chia sẻ: “Khi tiếp xúc với các trường hợp cần điều tra dịch tễ, chúng tôi phải khéo léo dùng mọi biện pháp để họ hiểu, chịu hợp tác khai báo y tế và làm theo hướng dẫn. Đã có trường hợp người dân không chịu hợp tác rồi nặng lời nhưng vì hiểu tâm trang hoang mang, lo lắng của họ nên chúng tôi luôn tự dặn lòng phải bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc, thuyết phục để người dân tin và tự nguyện hợp tác với cán bộ y tế”.
 
Ngay từ đầu mùa dịch, CDC Quảng Bình đã chủ động lấy và gửi mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Trung ương Huế xét nghiệm SARS-CoV-2. Từ ngày 15-4-2020, khi được tỉnh đầu tư hệ thống xét nghiệm Realtime-RT-PCR, cán bộ CDC đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ, làm chủ kỹ thuật và vận hành hiệu quả.
 
Đến thời điểm hiện tại, Quảng Bình đã thực hiện 5.694 mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Để có được kết quả sớm nhất, các cán bộ Khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh-Thăm dò chức năng luôn phải làm việc quá thời gian quy định.
 
Trong những bộ trang phục kín mít, nóng bức nhưng ai cũng cố gắng tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ. Có những lúc cao điểm, mỗi ngày, từ sáng đến khuya, họ phải thực hiện xét nghiệm từ 200-250 mẫu.
 
“Những lúc đó, dù rất mệt nhưng ai cũng phấn khởi vì kết quả xét nghiệm đã giải tỏa nỗi lo lắng cho người dân”, bác sỹ Phạm Thị Lệ Quyên, cán bộ xét nghiệm trực tiếp vận hành hệ thống xét nghiệm Realtime-RT-PCR bày tỏ.
Lãnh đạo CDC Quảng Bình trao giấy chứng nhận hoàn thành cách ly tập trung cho sinh viên Lào đến học tập tại các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo CDC Quảng Bình trao giấy chứng nhận hoàn thành cách ly tập trung cho sinh viên Lào đến học tập tại các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Dịch bệnh Covid-19 đã tạm lắng. Cán bộ, y bác sỹ CDC Quảng Bình đã phần nào vơi bớt đi những vất vả. Nhưng những bước chân của họ vẫn lặng thầm đi về các làng, bản, cần mẫn với công việc thường nhật của mình. Họ chính là những chiến sỹ thầm lặng ở tuyến đầu chống dịch, là những “lá chắn” hữu hiệu để ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ cộng đồng hơn 90 vạn người dân Quảng Bình.
 
Ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi đó, đồng chí Nguyễn Đức Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Tuy còn nhiều gian khó trong buổi đầu mới sáp nhập, nhưng đội ngũ cán bộ, y bác sỹ CDC Quảng Bình đã đoàn kết, nhiệt tình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh nói chung, đặc biệt là công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng, đóng vai trò là phòng tuyến vững chãi trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”.
5 năm liên tục từ 2015-2019, CDC Quảng Bình được UBND tỉnh tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; năm 2016 được Bộ Y tế tặng bằng khen; các năm 2017, 2019, 2020 nhận bằng khen của UBND tỉnh và đặc biệt năm 2019 được UBND tỉnh trao tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Nội Hà