Bảo vệ sức khỏe trong mùa hè, cần nêu cao ý thức của người dân

  • 08:17 | Thứ Hai, 01/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mùa hè là thời điểm dễ phát sinh một số bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết (SXH), tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ, viêm não do vi rút, thủy đậu, tay-chân-miệng… Các bệnh này rất dễ lây lan qua đường ăn uống, hô hấp và tiếp xúc bằng tay. Đặc biệt năm nay, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho tình trạng nhiều người, phần lớn là trẻ em nhập viện tăng cao. Vì vậy, ngành Y tế đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi các loại dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
 
Bác sỹ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để chủ động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, ngành Y tế đã tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai tốt các hoạt động khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh. Lực lượng làm công tác y tế dự phòng trong toàn ngành đã tích cực giám sát địa bàn trọng điểm và luôn chuẩn bị sẵn thuốc, hóa chất, nhân lực để đáp ứng tốt nhất cho công tác phòng chống dịch. Việc giám sát nguồn nước, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cũng được các đơn vị y tế hết sức chú trọng.
  Bác sỹ Phạm Thị Ngọc Hân đang thăm khám cho trẻ nhỏ đang điều trị tại bệnh viện.
Bác sỹ Phạm Thị Ngọc Hân đang thăm khám cho trẻ nhỏ đang điều trị tại bệnh viện.
Tại tỉnh ta, tình hình dịch SXH đang có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có gần 1.000 trường hợp mắc SXH rải rác ở một số địa phương. Với tinh thần chủ động, sẵn sàng, ngành Y tế đã chuẩn bị sẵn lực lượng cán bộ đến phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư, hóa chất cần thiết để triển khai kịp thời các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Ngành đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, thành lập các đội cơ động để hỗ trợ cho các địa phương, bố trí cán bộ trực 24/24h để theo dõi chặt chẽ các diễn biến của dịch bệnh.
 
Bên cạnh đó, ngành Y tế đã tập trung công tác chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã tăng cường giám sát dịch bệnh, đặc biệt là các ổ dịch cũ ở những địa phương có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời. Ngành còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp cho người dân những thông tin cần thiết về phòng chống dịch bệnh, như cách phát hiện các loại dịch bệnh và những biện pháp dự phòng tại cộng đồng, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, thực hiện ATTP và tiêm vắc-xin phòng bệnh.
 
Sở Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại một số huyện, thành phố, đến tận các thôn, bản để nắm bắt thực tế tình hình dịch bệnh. Hiện tại, tất cả các bệnh viện đều thực hiện khám, sàng lọc bệnh nhân từ ngay phòng khám. Những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm đều được cách ly, theo dõi, điều trị kịp thời nhằm phòng tránh lây nhiễm trong bệnh viện.
 
Bác sỹ Nguyễn Viết Thái, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cho biết: Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày, bệnh viện đón khoảng 5 đến 6 trường hợp mắc SHX vào điều trị. Tổng số bệnh nhân điều trị SXH tại bệnh viện khoảng 25-35 người. Ngoài ra, khoa nhi của bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 60 bệnh nhân, trong đó có khoảng 50% số bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp do vi rút và bệnh tiêu chảy…
 
Đa số các bệnh nhân đều đáp ứng điều trị tốt, không có trường hợp chuyển biến nặng. Bệnh viện đã thực hiện tốt việc phân luồng người bệnh, bố trí giường bệnh hợp lý và chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết nhằm đáp ứng trong trường hợp số bệnh nhân tăng cao. 
   Các bệnh viện luôn chú trọng việc khử khuẩn nhằm bảo đảm môi trường làm việc, chăm sóc sức khỏe an toàn cho cán bộ y tế và người dân.
Các bệnh viện luôn chú trọng việc khử khuẩn nhằm bảo đảm môi trường làm việc, chăm sóc sức khỏe an toàn cho cán bộ y tế và người dân.
Cùng với việc phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân trong mùa nóng, bệnh viện còn tăng cường các hoạt động vệ sinh môi trường, duy trì việc khử khuẩn bằng Cloramin B hàng tuần; riêng khu vực cách ly đặc biệt (phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19) và khoa truyền nhiễm, bệnh viện tiến hành khử khuẩn môi trường hàng ngày nhằm bảo đảm môi trường làm việc, chăm sóc sức khỏe an toàn cho nhân viên y tế và người dân khi đến khám, điều trị tại bệnh viện.
 
Tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, vào những ngày nắng nóng, Khoa Nhi tiếp nhận rất đông bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến vi rút như: bệnh về đường tiêu hóa, tay-chân-miệng, viêm não Nhật Bản, viêm màng não…  Lý giải nguyên nhân trẻ dễ bị mắc bệnh trong mùa hè, bác sỹ Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới cho biết: Do nắng nóng kéo dài đã làm cho sức đề kháng của trẻ kém đi, khiến vi khuẩn, vi rút nguy hiểm gây hại cho sức khỏe dễ dàng xâm nhập vào cơ thể trẻ.
 
Trẻ dễ thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn, đặc biệt dẫn đến các bệnh lý hô hấp. Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, các bậc phụ huynh không nên để nhiệt độ máy lạnh trong phòng quá thấp, cần thực hiện VSATTP, ăn chín, uống sôi, ăn nhiều trái cây, rau xanh, chế biến và bảo quản thực phẩm đúng quy định… Đối với trẻ đi trong độ tuổi đi học không nên uống nước đá, ăn các loại siro lạnh, ăn quà vặt trong điều kiện chế biến, bảo quản kém vệ sinh. Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng viêm não Nhật Bản và các vắc-xin phòng bệnh khác đầy đủ, chú ý vệ sinh nhà cửa, nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, phòng tránh muỗi đốt để phòng, chống dịch bệnh SXH…
 
Xác định việc không bảo đảm VSATTP là nguyên nhân gây các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa (tiêu chảy) gây ngộ độc thực phẩm, thời gian qua, Chi cục ATVSTP Quảng Bình cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo đảm ATVSTP trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc tăng cường công tác phối hợp kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản… tại các cơ sở, Chi cục ATVSTP còn đẩy mạnh việc kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại các  trường học.
 
Ông Trần Quyết Thắng, Phó chi cục trưởng, Chi cục ATVSTP cho hay: Qua kiểm tra, hầu hết các trường học có học sinh bán trú đều thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm ATTP như: khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, đồ dùng, đồ chơi của trẻ, vệ sinh toàn bộ bếp ăn và dụng cụ trước khi chế biến món ăn...
 
Để bảo vệ sức khỏe, chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tại gia đình, như: giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sạch sẽ, không nên tụ tập ở những nơi đông người để tránh lây nhiễm bệnh và có chế độ nghỉ ngơi, làm việc hợp lý, tích cực luyện tập thể dục, thể thao, bổ sung thức ăn giàu vitamin để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh dịch, người dân không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đến ngay các cơ sở y tế khai báo để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
 
                                                                             Nh.V